An Giang quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công

25/08/2022 - 07:07

 - Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng, cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Do đó, rất cần phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh An Giang khảo sát thực tế tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Lãnh đạo tỉnh An Giang khảo sát tiến độ thi công tuyến tránh Long Xuyên

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao trong năm 2022 (bao gồm vốn kéo dài) trên 6.737 tỷ đồng. Cụ thể, vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2022 hơn 1.380 tỷ đồng; vốn kế hoạch năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ giao hơn 5.357 tỷ đồng. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy hoạt động này. Thực hiện Công điện 126/CĐ-TTg, ngày 12/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 7/2022 được trên 1.632 tỷ đồng (đạt gần 25%).

Ông Phạm Minh Tâm cho rằng, kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh còn một số dự án chậm thực hiện thủ tục, như: Thẩm định, phê duyệt dự án hoặc điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu… Do đó, chưa thanh toán tạm ứng hoặc chưa có nhiều khối lượng thanh toán để giải ngân vốn. Khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, biến động tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, như: Cát, nhiên liệu (xăng, dầu)… cũng làm ảnh hưởng tiến độ thi công nhiều dự án. Ngoài ra, một số nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, đánh giá thực tế năng lực triển khai thi công rất chậm. Việc bố trí nhân lực, thiết bị và triển khai biện pháp thi công chưa đảm bảo đúng theo hồ sơ dự thầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin, để đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả giải ngân hàng tháng, nhằm kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu phê duyệt dự án, thi công, nghiệm thu, thanh toán quyết toán làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, điều chỉnh đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2022 thành 3 đoàn, do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng các đoàn. Qua đó, nếu có khó khăn, vướng mắc thì chủ đầu tư chủ động trao đổi, làm việc với tổ giúp việc của đoàn kiểm tra để tháo gỡ kịp thời. Trường hợp vượt thẩm quyền, tổ trưởng sẽ báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, tăng tốc trong triển khai thực hiện; phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp theo dõi từng dự án. Đối với các công trình lớn trên địa bàn huyện, có thể mời các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo phối hợp thực hiện; tổ chức kiểm tra, họp giao ban định kỳ hàng tuần để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; rà soát, điều chỉnh bảng kế hoạch thực hiện và giải ngân cụ thể từng dự án để đảm bảo mục tiêu giải ngân của năm 2022.

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư tiến hành rà soát. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (kể cả kế hoạch vốn năm 2022) thì có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý theo thẩm quyền, hoặc trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Trong đó, cần ưu tiên điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn được giao. Đối với các dự án có công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cần dự báo khả năng thực hiện và thời gian cần thiết để thực hiện, đề xuất UBND tỉnh bổ sung vốn hoặc điều chỉnh giảm vốn để phù hợp với khả năng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với 3 đơn vị thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc tỉnh), khẩn trương, phối hợp sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố dự kiến danh mục bố trí kế hoạch vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia (theo Quyết định 652/QĐ-TTg và 653/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các địa phương) thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai bước tiếp theo.

Để thực hiện đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa, đồng thời chỉ đạo, phân công để bảo đảm tuân thủ luật pháp, tránh tham nhũng, tiêu cực…

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích