An Giang tăng cường liên kết trong nông nghiệp

03/03/2022 - 03:48

 - Liên kết sản xuất giúp gắn kết doanh nghiệp (DN) với nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX); có đầu ra cho nông sản, lợi nhuận được đảm bảo. An Giang đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích DN mở rộng diện tích liên kết trên địa bàn.

Kết quả ấn tượng

Năm 2021 cho thấy nỗ lực của DN trong mở rộng diện tích liên kết sản xuất. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều được DN thu mua toàn bộ sản phẩm. Đối với thủy sản, hầu như toàn bộ sản lượng cá tra thương phẩm đều được nuôi liên kết với DN tiêu thụ. Đối với mặt hàng lúa gạo, cây ăn trái, đã có mức tăng đáng kể về diện tích có DN tham gia.

Đối với lúa, nếp, nếu năm 2020 có 30 DN liên kết với 19 HTX và 5 THT, diện tích liên kết 40.802ha thì năm 2021, 30 DN đã mở rộng liên kết với 53 HTX và 248 THT, diện tích liên kết 87.698ha. Đối với rau màu, tăng diện tích liên kết từ 253,8ha (năm 2020) lên 3.981ha (năm 2021). Tương tự, diện tích liên kết trái cây từ 294ha (năm 2020) tăng lên 1.356ha (năm 2021). Đối với thủy sản, nếu như diện tích liên kết năm 2020 là 188ha thì năm 2021 tăng lên 1.147ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020, tổng số liên kết tiêu thụ 138.000 con (heo 8.000 con, gà 100.000 con, vịt 30.000 con); năm 2021 là 152.000 con (heo 8.000 con, gà 114.000 con, vịt 30.000 con).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, lĩnh vực trồng trọt cho thấy sự gia tăng mạnh diện tích liên kết sản xuất khi năm 2022, DN đăng ký liên kết 212.200ha (đông xuân 2021-2022 là 41.100ha, hè thu 2022 là 110.187ha, thu đông 2022 là 60.913ha). Trong đó, chỉ riêng Tập đoàn Lộc Trời đã đăng ký liên kết 193.000ha (đông xuân 31.000ha, hè thu 105.000ha, thu đông 57.000ha).

Liên kết tiêu thụ chuối

Đối với rau màu, trong tổng sản lượng 606.699 tấn của năm 2022, sản lượng có liên kết tiêu thụ 306.663 tấn. Còn với 260.000 tấn trái cây (xoài 200.049 tấn, chuối 12.000 tấn, cây có múi 16.675 tấn, mít 13.214 tấn, loại khác 18.062 tấn), sản lượng liên kết chiếm đa số. Riêng 449.733 tấn cá tra thương phẩm, phần lớn đều có DN thu mua…

Hỗ trợ thành lập hợp tác xã

Theo Sở NN&PTNT An Giang, năm 2021, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập mới 15 HTX; thành lập Liên hiệp HTX Thoại Sơn. Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh chọn 4 HTX nông nghiệp (Chợ Vàm, Vĩnh Bình, Tây Phú và HTX sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt Nhơn Hưng) tham gia Đề án 167/QĐ-TTg, ngày 3-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xây dựng 5 câu lạc bộ thành viên HTX nông nghiệp tại 5 huyện, nhằm tập hợp thành viên HTX sinh hoạt đa dạng tại trụ sở, như: Tra cứu thông tin và tìm kiếm thị trường, tham gia giao dịch nông sản qua sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử… Năm 2022, tiếp tục nhân rộng ra các huyện còn lại.

Định hướng của ngành nông nghiệp An Giang là tổ chức sản xuất lớn thông qua HTX và THT, trên cơ sở đề xuất vùng nguyên liệu của DN. Năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới ít nhất 27 HTX phục vụ phát triển ngành hàng chủ lực của tỉnh, trong đó ít nhất 5% THT (trên tổng số THT hiện có tại địa phương) được nâng chất phát triển lên HTX. Tỉnh phát triển ít nhất 20% HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với DN; hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX.

Trong đó, cấp huyện có tối thiểu 3 HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết bền vững với DN tiêu thụ nông sản, là HTX tiêu biểu, có khả năng nhân rộng toàn tỉnh. An Giang cũng thành lập mới hoặc nâng chất 248 THT, trong đó ưu tiên triển khai thành lập mới THT tại những tiểu vùng, khu vực sản xuất chưa có HTX hoặc THT.

Xác định việc tổ chức sản xuất lớn phải do HTX, THT thực hiện thông qua việc liên kết chặt chẽ với DN để hình thành chuỗi giá trị bền vững, các đơn vị chức năng được giao sớm trình Đề án phát triển hệ sinh thái HTX đối với 6 ngành hàng chủ lực (lúa, rau màu, xoài, cá tra, bò sữa và heo) trong quý II-2022; phối hợp xây dựng Đề án thí điểm tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung trong HTX với quy mô theo khả năng đầu tư của DN.

Bên cạnh đó, cùng DN xác định vùng liên kết tại từng địa bàn cụ thể để UBND cấp huyện tham gia tuyên truyền, thuyết phục người dân, thành viên HTX, THT tham gia. Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của UBND cấp huyện. Vì trong vụ đông xuân 2021-2022, việc tuyên truyền trực tiếp đến người dân hầu hết là do ngành nông nghiệp và DN thực hiện, nên quá trình phát triển diện tích liên kết gặp rất nhiều khó khăn.

Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp nâng chất hoạt động Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp. Theo đó, bổ sung thêm 2 phó tổ trưởng (kỹ thuật viên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật; đại diện hội nông dân xã) và hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Đây là tổ thường trực trong việc “điều hành tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cấp xã”, thích ứng với điều kiện hiện nay.

 

NGÔ CHUẨN