Bảo vệ vụ hè thu mùa nắng nóng

10/05/2024 - 06:31

 - Vẫn còn nắng nóng gay gắt, lượng nước dưới kênh, mương ở mức thấp, việc chăm sóc lúa đầu vụ hè thu 2024 vất vả hơn. Dự báo khi mùa mưa đến, áp lực nước tưới giảm, nhưng lại có khả năng phát sinh một số loại dịch bệnh, sinh vật gây hại lúa. Nông dân cần thường xuyên theo dõi khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để chủ động bảo vệ sản xuất.

Tập trung bảo vệ lúa hè thu trước diễn biến thời tiết

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa năm nay xuất hiện muộn. Trong tháng 5, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15 - 30%; tháng 6 xấp xỉ TBNN. Tổng lượng mưa từ tháng 7 - 9 phổ biến xấp xỉ đến cao hơn TBNN từ 10 - 20%. Trong khi đó, nắng nóng tiếp tục duy trì đến nửa đầu tháng 5; nhiệt độ trung bình trong tháng 5 cao hơn TBNN từ 1 - 20C, có nơi cao hơn; tháng 6 nhiệt độ cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,50C; tháng 7 - 9, nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN từ 0,5 - 10C.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Đặng Thanh Phong cho biết, tính đến ngày 1/5, toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu 2024 được 191.251ha, đạt gần 84% kế hoạch. Các trà lúa đang ở giai đoạn: Mạ (115.394ha), đẻ nhánh (72.046ha), đòng (3.811ha). Căn cứ tình hình dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn, tình hình xuống giống các trà lúa và cơ cấu giống lúa, Chi cục TT&BVTV An Giang lưu ý một số sinh vật gây hại chủ yếu vụ hè thu 2024. Đối với rầy nâu, dự báo có thêm đợt rầy chính phát sinh, gồm: Đợt rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 5, gây hại từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và đại trà ở giai đoạn làm đòng đến trổ; đợt rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 6, gây hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa muộn.

Đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, có khả năng phát sinh cục bộ trên trà lúa hè thu sớm và trà lúa xuống giống không đúng lịch thời vụ tập trung né rầy; mức độ thiệt hại nhẹ đến trung bình, rải rác ở một số địa phương. Trong khi đó, rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và đại trà của tỉnh; thời gian xuất hiện từ tháng 5 - 6/2024. Nhện gié sẽ có khả năng phát sinh, phát triển mạnh từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng đến trổ, mức độ nhẹ, gây hại trung bình trên trà lúa sớm và đại trà.

Dự báo có mưa nhiều vào giữa và cuối tháng 6, ẩm độ cao thích hợp cho muỗi hành phát sinh, gây hại trên trà lúa xuống muộn. Do đó, cần chú ý tập trung theo dõi ở những vùng có muỗi hành xuất hiện nhiều trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Sâu cuốn lá nhỏ, gây hại thường xuyên trên đồng ruộng, có khả năng nhiễm từ nhẹ đến trung bình trên các trà lúa vụ hè thu 2024; chú ý hạn chế phun thuốc trừ sâu khi cây lúa chưa được 40 ngày sau khi sạ, để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng.

Bệnh đạo ôn lá dự báo phát sinh từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, trên các giống nhiễm, như: IR50404, Đài Thơm 8, OM5451, OM4218, OM6561, OM6976, OM4900, Jasmine 85, OM2514... Nếu mưa nhiều, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát triển mạnh từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, mức độ từ nhẹ đến trung bình; chú ý trên giống nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng (OM6976, OM6073, IR50404, OM2514, Jasmine 85…).

Bệnh cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao, như: Mưa giông, áp thấp nhiệt đới hay mưa bão kéo dài nhiều ngày (từ giữa tháng 6 - 7), xuất hiện trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ đều và ngậm sữa. Bệnh lem lép hạt sẽ xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao (trời âm u, có mưa nắng xen kẽ), từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7, mức độ từ nhẹ đến trung bình; chú ý trên giống Jasmine 85, OM6976, IR50404…

Ông Đặng Thanh Phong lưu ý, nông dân cần tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái; thăm đồng thường xuyên, quan sát kỹ ruộng lúa để phát hiện, quản lý dịch hại kịp thời. Bà con nên bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, hạn chế bón thừa phân đạm; thay thế một phần phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ, nhằm cải tạo đất, tăng khả năng đề kháng của cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết.

Trong đó, cần áp dụng bón lót phân lân, bón phân đợt 1 sớm (từ 7 - 10 ngày sau sạ), tăng cường bón phân lân và kali để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạ phèn... “Hạn chế xử lý hạt giống, không phun thuốc trừ sâu sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa (từ 0 - 40 ngày sau sạ); khi sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo giữ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch” - ông Phong khuyến cáo.

Khi phát hiện dịch bệnh hoặc có tình huống đột xuất xảy ra, bà con nông dân nên liên hệ với Trạm TT&BVTV tại địa phương nơi canh tác, hoặc Chi cục TT&BVTV An Giang (số điện thoại 02963.854.698) để được hướng dẫn cụ thể.

NGÔ CHUẨN