Bố trí nhân lực và trang thiết bị ở trạm y tế

24/01/2022 - 06:01

 - Cử tri An Giang kiến nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về bố trí điều kiện nhân lực, cơ sở trang thiết bị ở trạm y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế đã có ý kiến trả lời vấn đề này.

Năm 2020, 57.377 người làm việc tại 11.086 trạm y tế tuyến xã. Trong đó, 7.420 bác sĩ (chiếm 12,9%); tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ thường trú/định biên tăng từ 67,1% năm 2016 lên 72,3% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc (bao gồm bác sĩ tuyến trên luân phiên, làm việc định kỳ 2-3 ngày/tuần) tăng từ 85,3% năm 2016 lên 92,5% năm 2020.

Năm 2017, hơn 98% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP, ngày 24-4-2019 của Chính phủ (người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không quá 3 người), tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động giảm. Năm 2019, tỷ lệ chỉ đạt gần 59%. Trong số 7.221 thôn bản thuộc diện còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, có 23,5% thôn, bản có cô đỡ (đã được đào tạo 36,4%); 67% cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp theo Quyết định 75/2009/QĐ-TTg.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế cơ sở và chuyển giao kỹ thuật được chú trọng. Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và dược tại trạm y tế được đào tạo, tập huấn chuyên môn theo nguyên lý y học gia đình. Tổ chức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ; đào tạo, bàn giao 104 bác sĩ cho 48 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ Y tế phê duyệt và tổ chức triển khai đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020”; đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025”. Đến nay, đã kết nối khám, chữa bệnh từ xa với 1.500 cơ sở y tế.

Một số địa phương quan tâm, đầu tư từ ngân sách địa phương, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho trạm y tế. Chính phủ cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho trạm y tế vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2, xây dựng mới, sửa chữa 58 trạm y tế cho tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum). Bộ Y tế dành một phần ngân sách giai đoạn I của chương trình hỗ trợ ngân sách ngành do Liên minh Châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 91 trạm y tế xã khó khăn (khoảng 374 tỷ đồng), giai đoạn II dành khoảng 1.058 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 288 trạm y tế xã khó khăn.

Giai đoạn 2016-2020, đầu tư kiên cố 6.831 trạm y tế (69,2%) lên 7.295 trạm (77,9%). Số trạm y tế có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới năm 2020 là 40,1%. Hiện nay, Bộ Y tế triển khai Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn từ nguồn vốn vay ADB, dự kiến 102 triệu USD để đầu tư cho 16 tỉnh khó khăn; dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, dự kiến 110 triệu USD để đầu tư cho 13 tỉnh khó khăn.

Thời gian tới, Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung các gói dịch vụ cơ bản hiện có và thiết kế gói dịch vụ cơ bản mới. Điều chỉnh mức thanh toán theo hướng tạo lợi thế cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cung ứng tại trạm y tế (tăng mức trần thanh toán dịch vụ cung ứng tại trạm y tế; tăng tỷ lệ đồng chi trả đối với các dịch vụ tương tự cung ứng ở tuyến trên). Xây dựng và ban hành cơ chế giá dịch vụ, đồng chi trả nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ y tế hiệu quả tại tuyến y tế cơ sở. Mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công cộng.

Có chính sách khuyến khích và tăng cường sự gắn kết với y tế tư nhân trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng dẫn cụ thể và chặt chẽ việc thí điểm mô hình kết hợp công - tư ở y tế cấp xã. Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở tuyến huyện và tuyến xã; nghiên cứu đề xuất thành lập trạm y tế theo cụm dân cư và quy mô dân số; thí điểm Trung tâm Y tế huyện thuộc UBND huyện quản lý.

Nâng cao chất lượng quản trị của hệ thống y tế cơ sở trong việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo vị trí việc làm, triển khai chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cơ sở, luân phiên cán bộ y tế theo 2 chiều (từ dưới lên trên, trên xuống dưới). Triển khai mô hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế thay cho vai trò cá nhân bác sĩ gia đình. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về dân số cho cán bộ y tế, nhất là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về dân số và phát triển.

K.N