Cần luật hóa phòng thủ dân sự

15/06/2022 - 06:47

 - Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng phòng, chống hiệu quả thảm họa do chiến tranh, thiên tai hoặc nhân tai. Từ đó, đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của nhà nước, nhân dân. Do vậy, phòng thủ dân sự phải được quan tâm xứng tầm, bằng những bước đi thích hợp.

Còn tồn tại một số hạn chế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trên cơ sở thành lập lại Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (theo Nghị định 02/2019/NĐ-CP, ngày 2/1/2019), An Giang thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. “Tỉnh xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự theo hướng chuyên nghiệp và rộng khắp, từng đơn vị cấp xã thành lập tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai. Lực lượng này phát huy vai trò rõ nét, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Có lúc, tỉnh huy động gần 10.000 lượt cá nhân tham gia, góp phần giữ vững an ninh trật tự, giúp địa phương và nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống” - ông Trần Anh Thư thông tin.

Tuy nhiên, hoạt động phòng thủ dân sự cũng tồn tại một số hạn chế, như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi; ý thức của một bộ phận cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân còn hạn chế, coi phòng thủ dân sự là nhiệm vụ của quân đội, công an.

“Trong tổ chức diễn tập hoặc khi có thiên tai, bão lũ, sự cố xảy ra, một số người còn đứng ngoài cuộc. Trong phối hợp xử lý tình huống xảy ra, các cấp, ngành, lực lượng phối hợp thiếu nhịp nhàng, dẫn đến hiệu quả, chất lượng không đạt như mong muốn. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự, hoặc xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu “lưỡng dụng” trong phát triển kinh tế - xã hội lúc có tình huống xảy ra…” - đại tá Trần Quốc Khánh (Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh) nhận định.

Cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục thiên tai

Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, do thiếu nguồn lực tài chính, nên việc đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai mang tính đối phó, chắp vá, thiếu đồng bộ. Điển hình, trên địa bàn tỉnh có 52 đoạn đã được cảnh báo sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, hạn chế về kinh phí buộc tỉnh chỉ khắc phục sạt lở khi sự cố xảy ra. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo còn thiếu và yếu. Một số trạm thủy văn chưa được ứng dụng công nghệ đo, truyền dữ liệu tự động. Việc dự báo thiên tai, sét, giông lốc chỉ trong thời gian ngắn, phạm vi cảnh báo rộng, tính chủ động trong ứng phó không cao…

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

Để phòng thủ dân sự đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác này phải được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, khắc phục hạn chế đang có; tránh chồng chéo, né tránh trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hầu hết người được lấy ý kiến đều thống nhất sự cần thiết ban hành luật trong thời gian sớm nhất.

Dự thảo lần 1 Luật Phòng thủ dân sự (do ban soạn thảo, tổ biên tập Bộ Quốc phòng lấy ý kiến) gồm 7 chương, 84 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; lực lượng phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, cần đánh giá mức độ rủi ro về các loại thảm họa, sự cố ở từng cấp độ khác nhau, phù hợp nhưng không chồng chéo với các luật có liên quan (Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…).

“Đây là dự án luật khó, mang tính thực tiễn cao, phạm vi nghiên cứu rộng. Bộ Quốc phòng phân công 8 đoàn công tác tăng cường khảo sát thực tiễn, tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến ở nhiều địa phương, bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật gia và toàn dân để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo luật. Việc chuẩn bị được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, có lý luận, thực tiễn sâu sắc và kết hợp nhiều luật khác nhau. Tôi cho rằng, đây là thành công bước đầu rất đáng trân trọng. Lúc dự thảo luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, An Giang sẽ lãnh, chỉ đạo, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả” - ông Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp; công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo mặt trái tăng nguy cơ thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Chúng sẽ gây ra thiệt hại khôn lường về người và tài sản, nếu không thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả, đảm bảo an nguy cho đất nước và nhân dân.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 659 vụ hỏa hoạn (cháy 748 căn nhà), làm chết 5 người, bị thương 5 người, ước thiệt hại tài sản gần 1.000 tỷ đồng. Gió lốc xảy ra 503 vụ, làm sập, tốc mái gần 3.900 căn nhà, ảnh hưởng gần 120.000ha lúa, hoa màu, cây ăn trái, làm 14 người thương vong, thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Sạt lở 405 vụ, chiều dài 21km đường giao thông, 2.636 hộ dân phải di dời. Hơn 1,6 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục thiên tai, sửa chữa nhà cửa, trường học…

 

KHÁNH AN

 

Liên kết hữu ích