Thường xuyên theo dõi biểu hiện của bò để sớm phát hiện dịch bệnh
Dịch bệnh nguy hiểm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), kể từ khi xuất hiện ở Châu Á vào tháng 7-2019 (vùng Tây Bắc Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ) đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, gây thiệt hại trên 1,5 tỷ USD.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên từ xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10-2020 và nhanh chóng lan rộng. Tính đến ngày 25-5-2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, có tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 9.539 con chết và tiêu hủy. Dịch bệnh xảy ra nặng nhất ở Hà Tĩnh (17.420 trâu, bò mắc bệnh), sau đó đến tỉnh Quảng Bình (8.571 con), Nghệ An (7.296 con), Thanh Hóa (6.575 con)... Cả nước hiện còn 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con trâu, bò mắc bệnh.
Đại diện Cục Thú y cho rằng, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng…). Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí mua Vaccine và tổ chức tiêm Vaccine phòng bệnh. Theo các cơ quan chuyên môn, phải cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vaccine mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh viêm da nổi cục có hiệu quả, trong khi tỷ lệ tiêm Vaccine hiện nay còn thấp.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cho phép 2 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 3 loại Vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng 4,12 triệu liều, đảm bảo đủ số lượng để tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam. Đến ngày 10-5, các DN đã nhập khẩu 2,7 triệu liều, trong đó có trên 2 triệu liều vaccine đã được cung ứng cho các địa phương và các DN chăn nuôi trâu, bò. Dự kiến thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều vaccine. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tiêm Vaccine sớm nhất sau khi được cung ứng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Chủ động phòng bệnh
Tại An Giang, dù chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng công tác phòng, chống đang được chủ động thực hiện. Sở NN&PTNT vừa có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo đó, các đơn vị chức năng của địa phương và UBND xã, phường, thị trấn cần phối hợp với lực lượng thú y địa phương rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn quản lý, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi giám sát dịch bệnh, kịp thời báo ngay cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương khi xảy ra dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo kịp thời làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc trái phép trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương biên giới; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhập lậu trâu, bò qua biên giới và vận chuyển trâu, bò không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Ngày 25-5-2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang đã có văn bản hướng dẫn một số biện pháp phát hiện và phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Trần Tiến Hiệp, bệnh viêm da nổi cục (bệnh da sần) là bệnh truyền nhiễm do 1 loại virus họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò (virus này không gây bệnh trên người).
Ngoài truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve), bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh chủ yếu xảy ra vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết.
Ông Hiệp cho biết, do bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do virus gây ra nên tiêm phòng Vaccine là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Đối tượng tiêm là trâu, bò khỏe mạnh từ 3 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh Vaccine thì cần áp dụng các biện pháp an toàn trong chăn nuôi, như: vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phun hóa chất đặc hiệu tiêu diệt ký trung gian truyền bệnh; chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng Vaccine; định kỳ tẩy giun sán, phòng trị ký sinh trùng; tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò bằng chất lượng khẩu phần ăn…
NGÔ CHUẨN
Chi cục CN&TY An Giang lưu ý, những triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục, như: biểu hiện sốt cao và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh. Nốt sần có đường kính 2-5cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. |