Canh tác lúa thân thiện với môi trường

12/01/2022 - 05:23

 - Vừa qua, Ban Quản lý dự án lúa (Hội Nông dân tỉnh An Giang) tổ chức 4 lớp tập huấn tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ cho nông dân huyện Chợ Mới, Thoại Sơn.

Tưới ướt - khô xen kẽ giúp nông dân tiết kiệm nước và tăng lợi nhuận

Theo đó, các học viên tham gia dự án được tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, tập trung vào 3 kỹ thuật chính, gồm: Giảm phân hóa học, tưới ướt - khô xen kẽ và xử lý rơm rạ. Lớp tập huấn nâng cao nhận thức nông dân về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm gạo khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật để tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất lúa, thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân, thích ứng với tốt với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng những năm qua.

“Trong đợt tập huấn này, kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ là kiến thức chính, giúp nông dân nắm được “chìa khóa” quản lý nước tưới suốt vụ sản xuất. Nguyên tắc chung là: Cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước, mà chỉ cần nhiều nước trong giai đoạn lúa non (để ém cỏ), trong giai đoạn trổ (để lúa kết hạt tốt). Các giai đoạn khác, nông dân áp dụng biện pháp tưới ướt - khô xen kẽ là được. Trong bất kỳ giai đoạn canh tác nào, lớp nước ngập tối đa 5cm đã đủ để lúa phát triển tốt” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên thông tin.

Áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ trong quá trình sản xuất lúa, nông dân sẽ thu được nhiều lợi ích, như: Hạn chế chồi vô hiệu; hạn chế lá ủ ở giai đoạn sau, cây lúa được thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại; giúp cây lúa phát triển tốt bộ rễ, tránh đổ ngã ở giai đoạn sau; tiêu chất độc (sản sinh trong môi trường yếm khí do đất bị ngập nước lâu ngày); giảm chi phí bơm nước... Từ đó, gia tăng lợi nhuận và sản xuất lúa thân thiện với môi trường.

Bên cạnh việc áp dụng mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường trên cơ sở áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, nông dân có thể kết hợp thêm mô hình “1 phải, 5 giảm”, để hướng đến việc tiết kiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Trước đây, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình này, hiện đang hướng đến “6 giảm” (thêm giảm hiện tượng phát thải khí nhà kính). Do đó, càng kết hợp nhiều mô hình cùng lúc sẽ mang đến lợi ích cho nông dân, từ giảm chi phí đầu tư cho đến việc “xanh hóa” môi trường sống.

Sau đợt tập huấn này, Ban Quản lý Dự án lúa chọn và xây dựng ở mỗi xã tham gia dự án (Hòa An, An Thạnh Trung - huyện Chợ Mới; Tây phú, Vọng Đông - huyện Thoại Sơn) 1 mô hình với diện tích 1.000m2 làm điểm trình diễn về kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, tạo điều kiện cho nhiều nông dân tiếp cận, học hỏi và áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Đây là mô hình không mới đối với những nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nhưng nông dân An Giang vẫn còn khá rụt rè, bởi tập quán sản xuất lúa nước truyền thống đã thấm sâu trong suy nghĩ, cách làm của nông dân.

Vì vậy, Ban Quản lý dự án lúa đang nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm thuyết phục, thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân, hướng tới sản xuất lúa thân thiện với môi trường, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và gia tăng lợi nhuận sau canh tác nhờ giảm chi phí đầu vào.

“Qua lớp tập huấn, chúng tôi nhận thấy nông dân hưởng ứng khá tốt mô hình này. Do đó, Ban Quản lý dự án lúa sẽ phối hợp cùng chuyên gia và cán bộ kỹ thuật tiếp tục hỗ trợ, tư vấn để nông dân các xã tham gia dự án áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ hiệu quả nhất. Đến cuối vụ, sẽ tổng kết hiệu quả mô hình và nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Nhiên cho hay.

Hệ thống canh tác lúa cải tiến, thân thiện với môi trường (SRI) là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Qua đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở tác động về mặt kỹ thuật, giúp giảm chi phí đầu vào (như: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu) và tiết kiệm nước tưới. Các kỹ thuật tác động, bao gồm: Cấy mạ non, cấy mạ thưa, tưới tiêu, đảm bảo duy trì đất ruộng khô - ướt xen kẽ, làm cỏ, tăng cường phân vi sinh và phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học…


THANH TIẾN