Khởi nghiệp từ cây mai
Gia đình ông Cao Tấn Ân (ngụ xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) là điển hình trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây mai vàng. Cách đây 10 năm, hưởng ứng chủ trương của ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, ông Ân và bạn bè mạnh dạn phá bờ đê ruộng lúa, lên liếp, đánh rãnh, tạo mương thoát nước để trồng cây mai vàng.
Ông Ân đã chuyển đổi 2 công đất trồng lúa, đầu tư cải tạo hạ tầng gần 100 triệu đồng. Ban đầu, khi chuyển từ ruộng lúa sang ruộng mai, do chưa hiểu hết tập tính cây trồng, ông phải mất rất nhiều chi phí, công sức. Mai vàng không chịu được ngập úng, buộc đánh mương để tiêu úng. Có như vậy, khi mưa già, ruộng mai không bị ngập nước. Trời nắng, việc tưới, tiêu cũng thuận lợi.
Nghề trồng mai giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương
Khó khăn trong giai đoạn đầu, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Song, nhờ sự động viên của chính quyền địa phương, cùng với khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ông Ân điều chỉnh lại hạ tầng của ruộng mai, như: Lên liếp trồng phải cao hơn, mương nước đào sâu hơn, áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt của Israel để việc tưới nước, phân bón, thuốc trị bệnh được tập trung. Vậy là sau 2 năm rút kinh nghiệm, làm quen với tập tính cây trồng, bước sang năm thứ 3, ông biến đất lúa thành ruộng mai xanh tốt, cây trồng phát triển đồng đều. Lúc này, ông bắt đầu tạo dáng cho cây, chờ đến ngày thu hoạch.
Giá trị kinh tế cao
“Mỗi công đất trồng được 500 cây. Khi mai trồng được 3-4 năm, bắt đầu xuất bán. Mai trồng trên nền đất lúa xuất bán thành 3 đợt. Đợt 1, tôi bán cây lớn, có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/cây; đợt 2 từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/cây, đợt 3 từ 500.000 - 800.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/công đất. Ở vùng đất Phú Vĩnh này, chưa có loại cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao như cây mai. Nông dân ở đây nói vui, cây mai bán ế cũng có lời, vì cây càng để lâu càng có giá trị. Gia đình tôi hiện có đến 15 công mai” - ông Ân chia sẻ.
Sự kiện cây mai vàng của anh Cao Văn Trọng (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trưng bày tại chợ hoa xuân Long Xuyên tháng 1-2022 được người chơi mai chốt giá 6 tỷ đồng một lần nữa cho thấy, mai vàng là loại cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao. “Kể từ khi báo chí đưa tin cây mai vàng của ông Trọng giá lên tới 6 tỷ đồng, người chơi mai từ các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh về đây “săn” tìm mai vườn, mai nguyên thủy để mua. Ngoài mai vườn, thương lái từ tỉnh Long An, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh cũng tìm mua cây mai có dáng đẹp. Cá biệt, có cây được ngã giá đến 500 triệu đồng” - ông Ân xuýt xoa.
Mai vàng cho giá trị kinh tế cao, nông dân ở các địa phương, như: Phú Vĩnh, Long An, Châu Phong, Lê Chánh (TX. Tân Châu) nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc, mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất, chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao (trong đó có cây mai vàng). Đến nay, toàn TX. Tân Châu có trên 50ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng mai vàng. Nhờ vậy, đời sống của hộ trồng mai ngày càng khấm khá hơn. “Trước đây, Tân Châu nổi tiếng với cây mai gião. Nay, từ việc lai tạo, người trồng mai đã tạo ra rất nhiều giống mai “độc, lạ” cho giá trị kinh tế cao” - ông Nguyễn Thành Phong (ngụ xã Lê Chánh) chia sẻ.
“Cây mai vàng trồng trên nền đất lúa ngày càng khẳng định được giá trị kinh tế. Chính vì vậy, UBND TX. Tân Châu đã cây mai vàng trở thành cây trồng khuyến khích phát triển trên địa bàn. Thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ thủ tục về đất đai cho bà con chuyển đổi, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, Phòng Kinh tế tham mưu UBND thị xã, đưa cây mai vàng vào chương trình, kế hoạch để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Việc này giúp cho cây mai vàng ngày càng khẳng định giá trị kinh tế” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan thông tin. |
MINH HIỂN