Châu Thành phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp

24/08/2021 - 06:11

 - Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá, thương mại - dịch vụ là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, huyện Châu Thành đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành nông sản.

Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương và các DN hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa, nếp. Đến nay, huyện Châu Thành đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, với trên 27.687ha, năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha.

“Huyện thành lập các tổ phản ứng nhanh cấp huyện và các xã, thị trấn để hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản, kết nối thông tin, dữ liệu về huyện kịp thời, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, huyện đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ gần 60 tấn nông sản các loại” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn chia sẻ.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Châu Thành đã tiến hành quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: lúa, gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa kiểng, cây ăn trái… Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích DN, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học.

Qua đó, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra nông sản ổn định, giúp nông dân yên tâm canh tác. Trong đó, mô hình trồng nấm ăn là một trong những mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nhất. Toàn huyện có 10 nhà trồng 27.800 bịch phôi nấm bào ngư, 14 nhà trồng 1.795m dòng nấm rơm trong nhà, 5 hộ trồng 3.565m mô nấm rơm ngoài trời…

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu là 826,54ha (rau màu 341,75ha và cây ăn trái 484,79ha). Qua đó, xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương duy trì và nhân rộng trên địa bàn, như: trồng quýt, cam, chanh, ổi, chuối…

Huyện Châu Thành tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Đặc biệt, quy hoạch vùng sản xuất rau màu an toàn xã Bình Thạnh; phát triển vùng sản xuất rau màu theo hướng an toàn gắn với chuyển đổi cây trồng; mở rộng diện tích trồng nấm ăn, nấm dược liệu; vùng nuôi thủy sản, sản xuất giống thủy sản và vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện Châu Thành đang từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, có tính cạnh tranh cao và tiềm năng phát triển, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân, để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các DN theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững…

TRUNG HIẾU