Ngày 26/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernandez đến thăm và làm việc tại Quảng Trị nhân hoạt động kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023).
Lãnh tụ Fidel Castro trong lần đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Vị khách nước ngoài đặc biệt
50 năm trước, lãnh tụ Fidel Castro là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất, vượt sông Bến Hải để đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Hình ảnh vị lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ và nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” đã đi vào lịch sử, in sâu trong ký ức của nhiều người dân miền đất Quảng Trị.
Đến nay ở Quảng Trị, những nhân chứng chứng kiến sự kiện lịch sử năm xưa vẫn nhớ như in sự việc. Ông Dương Tú Anh - nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn nhớ chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị.
Quảng Trị dựng tượng đài lãnh tụ Fidel Castro cùng trích dẫn câu nói đã đi vào lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. (Ảnh: Đ.T)
Cuối giờ chiều 14/9/1973, những lãnh đạo cốt cán các huyện trong tỉnh Quảng Trị nhận được thông báo mật, tổ chức mit tinh tại Cam Lộ vào ngày 15/9/1973. Hôm sau, đến sát giờ tổ chức mit tinh, mọi người mới được thông báo sẽ tổ chức tại Cứ điểm 241 và đặc biệt là trong cuộc mit tinh đó sẽ có sự tham gia của một “vị khách đặc biệt”.
Đến Cứ điểm 241 các anh em của các lực lượng, đại diện các huyện trong tỉnh Quảng Trị bất ngờ khi được chào đón vị lãnh tụ đất nước Cuba Fidel Castro tại đây.
"Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in sự vui sướng và hãnh diện không chỉ của riêng tôi mà của rất nhiều người trong đoàn. Thời điểm đó, Cứ điểm 241 từng là căn cứ pháo của địch còn ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo.
Cuộc mit tinh diễn ra trong hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt, khi cách đó 12 cây số quân địch không biết sẽ tấn công chúng ta khi nào. Nhưng lãnh tụ Fidel Castro vẫn cầm cờ giải phóng miền Nam lên, Nhân dân, anh em du kích, cán bộ xã, huyện, tỉnh vỗ tay rầm trời", ông Dương Tú Anh nhớ lại.
Ông Dương Tú Anh là nhân chứng chứng kiến chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam. (Ảnh: Đ.T)
Ông Dương Tú Anh cho biết, lãnh đạo địa phương chọn một bãi đất rộng, ở phía dưới và nằm bên phải đường lên Cứ điểm 241 Tân Lâm, để tổ chức buổi mit tinh nhân dịp lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sáng 15/9/1973, tại buổi mit tinh, lãnh tụ Fidel Castro diễn thuyết ở đây, dưới sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Ngay khi lãnh tụ Fidel Castro tiến vào chỗ mit tinh, các cán bộ, chiến sĩ của ta chào đón và trao cho ông lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên- Huế. Lãnh tụ Fidel Castro cầm lá cờ thẳng đứng trong tư thế hiên ngang, hùng dũng tiến vào khu vực mit tinh, khiến ai nấy đều xúc động.
Cầm lá cờ trên tay, lãnh tụ Fidel Castro hô to trước đông đảo chiến sĩ: “Các đồng chí hãy mang lá cờ Bách chiến Bách thắng này cắm tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Cứ điểm 241 thôn Tân Phú (Cam Thành, huyện Cam Lộ) là nơi tổ chức buổi mit tinh với sự có mặt của lãnh tụ Fidel Castro. (Ảnh: Đ.T)
Ông Tú Anh kể, lãnh tụ Fidel Castro diễn thuyết ở Cứ điểm 241 Tân Lâm đến hơn 30 phút, nhưng ông không cần giấy tờ gì cả. Trong chừng ấy thời gian diễn thuyết, lãnh tụ Cuba ca ngợi lòng dũng cảm, sự can trường và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn kết anh em thủy chung Việt Nam-Cuba.
Đứng trên Cứ điểm 241 Tân Lâm, chứng kiến cảnh hoang tàn do chiến tranh tàn phá, lãnh tụ Fidel Castro gợi mở, cần sớm xây dựng nhà cửa và nông trường để lấp bớt đi sự hoang tàn.
Ông Dương Tú Anh cho biết, qua chuyến thăm này, các cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân một lần nữa cảm nhận, lãnh tụ Fidel Castro là người bạn lớn rất thân tình, rất thấu hiểu Việt Nam.
'Luôn coi lãnh tụ Fidel Castro là người cha thứ 2'
Nửa thế kỷ trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Hương (ngụ tại kiệt 24 Đặng Tất, TP Đông Hà, Quảng Trị) vẫn luôn coi lãnh tụ Fidel Castro như ân nhân và là người cha thứ hai của mình.
Chiều 15/9/1973, sau khi thăm nhiều địa danh ở miền Nam vĩ tuyến 17, phái đoàn lãnh đạo cấp cao trở lại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Khi đoàn xe đến Hiền Lương thì nơi đây xảy ra vụ nổ bom bi, nạn nhân trong sự việc là một cô gái mới 17 tuổi đó chính là bà Nguyễn Thị Hương đang tham gia lao động tại đây.
Bà Nguyễn Thị Hương luôn coi lãnh tụ Fidel Castro như người cha thứ 2.
Bà Hương bồi hồi kể: “Năm ấy tôi là đoàn viên của xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, tham gia cùng nhiều anh chị em khác làm đường tại Hiền Lương. Khi nhát cuốc vừa bổ xuống đất thì trúng bom bi, phát nổ. Cùng lúc này, đoàn xe của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro đi ngang qua, cách đó chừng 500m... Mặc dù lúc ấy tôi bị thương khá nặng nhưng vẫn còn tỉnh để nhận biết mọi người. Tôi vẫn nhớ vị Chủ tịch Cuba tiến đến gần tôi".
Bà Hương bị thương khá nặng, phần ruột, động mạch bị ảnh hưởng, mất máu nhiều. Bà đã được tổ y tế đi cùng đoàn sơ cứu và đưa ra điều trị tại bệnh viện Vĩnh Linh. Lúc đó, bệnh viện Vĩnh Linh đã hết máu dự trữ, lãnh tụ Fidel Castro đề nghị mọi người nỗ lực tìm cách cứu sống cô gái.
Lãnh tụ Fidel Castro còn đề nghị, nếu bệnh viện không có phương tiện cấp cứu, ông xin đưa cô gái ra Quảng Bình, dùng máy bay chở về Hà Nội cấp cứu. Để có máu truyền cho bà Hương, lãnh tụ Fidel Castro điều động xe ra Quảng Bình mang máu về bệnh viện Vĩnh Linh.
“Điều trị tại bệnh viện hơn 1 tháng sức khỏe của tôi bình phục. Sau đó nghe tin có phái đoàn của Cuba sang thăm, tôi được mời lên ủy ban xã ở nơi cư trú để nhận quà. Đó là món quà của Chủ tịch Fidel Castro gồm thuốc chữa bệnh, thuốc bổ và tấm danh thiếp của ông”, bà Hương nhớ lại.
Tên của lãnh tụ Cuba được Quảng Trị dùng để đặt cho một công viên rộng lớn ở trung tâm TP Đông Hà.
Từ đó về sau, năm nào có phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam, bà Hương đều được mời đến. Chủ tịch Fidel cũng từng mời bà Hương sang thăm Cuba, nhưng bà không đi được.
“Chỉ là cuộc gặp ngắn trong tình huống đặc biệt như vậy nhưng tôi luôn trân trọng nhà lãnh đạo Cuba, xem ông như là người cha thứ hai đã tái sinh mạng sống cho mình. Mặc dù nắm trọng trách lãnh đạo cao nhất của một nước nhưng ông vẫn ân cần và tình cảm như vậy khiến tôi rất xúc động.
Tôi còn nhớ lần nào đoàn công tác của Cuba sang thăm đều cho xe đến đón và hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống của tôi. Tôi cũng nhiều lần gửi thư, ảnh gia đình và quà sang Cuba, thông qua các dịp có đoàn của Việt Nam sang đó công tác”, bà Hương nói.
Theo VTC