Dạy và học trực tuyến

20/10/2021 - 05:39

 - Đây được xem là giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Qua hơn 1 tháng triển khai cho thấy, hoạt động dạy học trực tuyến của các trường đã chuẩn bị khá tốt, được tổ chức ổn định và đi vào nền nếp. Học sinh nắm được cách thức vào học, quen dần với việc sử dụng các thiết bị, biết thực hành làm bài và tương tác với giáo viên trong quá trình học tập.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tặng hoa cảm ơn các doanh nghiệp tài trợ chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Các buổi học trực tuyến còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của phụ huynh, chuẩn bị cho con từ sớm để vào học đúng giờ. Học sinh bày tỏ yêu thích tham gia học để được gặp bạn bè, thầy cô. Học trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19, học sinh gần gũi và chia sẻ những hoạt động học tập nhiều hơn cùng người thân. “Khi học trực tuyến, học sinh có thể thoải mái tham gia các lớp học ngay tại nhà với khung thời gian linh hoạt. Do đó, cho dù dịch bệnh đang diễn ra thì học sinh vẫn có thể dễ dàng “gặp mặt” thầy cô, bạn bè, tham gia học tập trực tuyến ngay tại nhà mà không cần phải di chuyển đến trường” - một giáo viên ở TP. Long Xuyên thông tin.

Cùng với những thuận lợi thì vẫn có những hạn chế phát sinh, bởi lẽ học trực tuyến là “bất khả kháng” trong tình hình dịch bệnh. Khi được hỏi về “nhận xét sau 1 tháng học trực tuyến”, phần lớn học sinh (nhiều nhất ở bậc THCS, THPT) đều “mong sớm được đến trường”. Một số em còn cho biết, việc học trực tuyến quá buồn, khó hiểu bài, không tập trung, mạng chập chờn nên việc học đôi lúc bị gián đoạn…

Đối với bậc tiểu học, dạy học trực tiếp đã khó, dạy học trực tuyến càng khó hơn. Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học chủ động rà soát điều kiện dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ngày 12-9-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn đảm bảo dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, an toàn đối với cấp tiểu học. Trong đó, quy định nhiều nội dung liên quan đến việc giáo viên tương tác, hỗ trợ học sinh học trực tuyến, bố trí thời gian, chương trình dạy học phù hợp...

Tuy vậy, có rất nhiều băn khoăn về việc học trực tuyến ở lớp 1. “Học sinh không được rèn chữ viết như học trực tiếp, mặc dù đã được phụ huynh rèn nhưng không thể bằng cô giáo rèn trong lớp. Ngoài ra, thời gian của mỗi tiết học ít (chỉ 30 phút), nhiều lúc không nghe rõ (do mạng chập chờn) nên việc rèn cho học sinh phát âm đúng rất khó. Nhưng tình hình dịch bệnh thì phải cố gắng” - một giáo viên dạy lớp 1 chia sẻ.

Thêm nữa, nhiều gia đình có 2 con cùng học trực tuyến nhưng chỉ có 1 thiết bị (điện thoại, máy tính…) để học, các con học trực tuyến trùng giờ với nhau nên gặp nhiều khó khăn. “Bé lớn nhà tôi học lớp 6, bé nhỏ học lớp 3. Để đảm bảo việc học trực tuyến, tôi phải mua thêm máy tính bảng cho cả 2, vì học cùng lúc. Ban đầu thì bé thích thú lắm, vì được gặp bạn bè, thầy cô. Nhưng sau 1 tuần thì tỏ vẻ mệt mỏi, nhất là bé học lớp 3, than phiền mệt mỏi, buồn ngủ, không tập trung… Mặc dù tôi luôn ở bên cạnh để hỗ trợ nhưng do tâm lý lứa tuổi, các con khó tập trung một chỗ trong suốt thời gian học trực tuyến” - chị Thúy Hương (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Trong khi đó, chính giáo viên cũng có nhiều tâm tư. Bởi mỗi giờ dạy trực tuyến không chỉ có cô và trò tương tác, mà còn có rất nhiều phụ huynh đang “giám sát”. Nhiều khi học sinh ồn ào, không tập trung trong giờ học… nhưng giáo viên phải tiết chế, nhắc nhở nhẹ nhàng. Ngoài ra, ban giám hiệu có thể vào lớp học trực tuyến bất cứ lúc nào để “dự khán”, nên giáo viên chịu rất nhiều áp lực…

Một giáo viên THCS ở huyện An Phú cho biết, dạy trực tuyến đòi hỏi ở học sinh sự tự giác học tập là chính. Vì dạy trực tuyến có thời gian ngắn lại, mỗi tiết chỉ còn 30 phút, trong khi nội dung khá nhiều. Giáo viên phải chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh tự giải quyết vấn đề trước, vào học thì giáo viên giải đáp, nhận định, kết luận. Với học sinh trung bình, yếu, kém, thì việc này khó khăn hơn, vì hầu hết không có ý thức tự học, nếu gia đình thiếu quan tâm thì các em càng yếu hơn...

HỮU HUYNH