Cần thêm những mô hình, hoạt động thiết thực đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên trong doanh nghiệp
Tồn tại, hạn chế trong hoạt động công đoàn tại DN được các cán bộ công đoàn chia sẻ tập trung là ở nội dung, phương thức hoạt động chưa chuyển kịp với biến đổi của tình hình đất nước, địa phương, DN và đòi hỏi của đoàn viên, công nhân lao động. Do công tác kiêm nhiệm, cán bộ công đoàn ngại va chạm, còn e dè, nể nang trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Công tác vận động, tập hợp công nhân, lao động vào công đoàn, tự giác tham gia hoạt động công đoàn tại các DN còn hạn chế, một số công đoàn tại DN chưa trở thành chỗ dựa của công nhân, lao động. Nguyên nhân được chỉ ra để phân tích bàn giải pháp có rất nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan.
Từ thực trạng hoạt động công đoàn cơ sở trong DN, ông Tô Minh Lắm (Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động) cho rằng, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở để tiếp tục phát huy tốt việc tập hợp, thu hút và đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Kế đến, phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ hoạt động thực tiễn. Trong đó, xem xét lựa chọn người có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn, có khả năng tuyên truyền, vận động thuyết phục công nhân lao động tham gia vào tổ chức.
Theo ông Lắm, để khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác, nhằm thu hút cán bộ giỏi tham gia, công đoàn cần quan tâm việc bảo vệ và thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ công đoàn, có chế độ đãi ngộ phù hợp trong điều kiện cụ thể.
Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở công đoàn cơ sở, tổ chức các hoạt động công đoàn phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và NLĐ, phù hợp tình hình sản xuất - kinh doanh tại DN. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ cần được nghiên cứu các hình thức linh động, hiệu quả, đặc biệt hợp với loại hình hoạt động của DN.
Ông Hồ Minh Triết (Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Đức Thành) cho biết, những năm qua, công đoàn cơ sở có những bước tiến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc quan tâm, chăm lo đời sống cho công đoàn viên, NLĐ. Công đoàn cơ sở luôn đặt mục tiêu chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu để góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa NLĐ và DN. Bên cạnh làm tốt chức năng, vai trò, theo ông Triết, công đoàn cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các ngành, các cấp, ban hành thêm nhiều cơ chế đặc thù cho công đoàn nói chung và các chính sách kịp thời hỗ trợ cho DN mỗi khi gặp khó khăn.
Công tác trong DN FDI, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Giang Samho Võ Thanh Nhã cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ công đoàn cơ sở ở DN vẫn là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trong khi hiện nay, hoạt động của công đoàn cơ sở rất nhiều, tốn thời gian để có thể tổ chức hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cán bộ công đoàn phải nỗ lực để vừa làm tốt công việc chuyên môn, vừa thực hiện nhiệm vụ công đoàn là áp lực khá lớn. Do đó, cần đề ra phương pháp thực hiện nhiệm vụ của công đoàn cơ sở ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ cốt lõi liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ.
“Trong bối cảnh sẽ có thêm tổ chức đại diện NLĐ tại DN thì vai trò của công đoàn cơ sở cần được phát huy nhiều hơn để NLĐ tin tưởng, gia nhập tổ chức công đoàn. Việc đổi mới hoạt động công đoàn gắn với thực tiễn, nhiệm vụ hiện nay rất quan trọng. Nhất là sau đại hội công đoàn cơ sở, cần xác định rõ mục tiêu, phương hướng để hoạt động công đoàn ngày càng hiệu quả, tạo điểm nhấn và đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của NLĐ. Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả hay không là nhờ vào sự nhanh nhạy của cán bộ công đoàn. Có như vậy, NLĐ mới được hưởng nhiều phúc lợi tốt” - ông Nhã bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, tổ chức và hoạt động công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực thi hành, đặc biệt là việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của NLĐ trong DN (không phải công đoàn Việt Nam) buộc tổ chức công đoàn phải đổi mới hơn nữa cả nội dung, hình thức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực từ đoàn viên, NLĐ.
Đây không chỉ là những khó khăn, thách thức riêng đối với hoạt động công đoàn trong tỉnh, mà đồng thời là vấn đề chung của hoạt động công đoàn cả nước. Nội dung này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Trường Đại học Công đoàn thực hiện đề tài cấp Tổng Liên đoàn “Đổi mới hoạt động công đoàn cơ sở ở DN trong bối cảnh ra đời tổ chức đại diện NLĐ tại DN”. Từ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân hạn chế; tổng hợp những khuyến nghị đối với các cơ quan, ban ngành đoàn thể, đề tài sẽ góp phần định hướng đổi mới hoạt động nâng cao vị thế của công đoàn cơ sở trong tình hình mới.
MỸ HẠNH