Động lực tăng trưởng từ nông nghiệp An Giang

31/12/2021 - 06:43

 - Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp An Giang càng khẳng định vai trò bệ đỡ và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, “4 tăng”: Tăng trưởng tăng cao hơn cùng kỳ, năng suất lúa tăng, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng khá… là những điểm nhấn của nông nghiệp An Giang năm 2021, tạo đà phát triển cho năm 2022.

Các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp An Giang (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19)

Cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực

Năm 2021, nông nghiệp vẫn khẳng định là bệ đỡ tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN), nông dân, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân năm 2021 đạt khoảng 205 triệu đồng/ha, tăng gần 10 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Vùng chuyên canh nếp Phú Tân, quy mô trên 20.000ha; vùng chuyên canh xoài thuộc 3 xã cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), quy mô 6.400ha; vùng sản xuất chuối, quy mô 2.000ha. Cùng với đó là hình thành vùng sản xuất cá tra chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (quy mô 600ha), vùng sản xuất cá tra giống công nghệ cao quy mô 100ha của Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc… An Giang ngày càng thu hút nhiều DN lớn đầu tư vào lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế, như: Chế biến gạo, thủy sản, rau quả…

Năm 2021, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của An Giang tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây. Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng linh hoạt và giảm diện tích sản xuất lúa sang các loại cây trồng khác, như: Rau màu, cây ăn trái… Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính đều có xu hướng tăng.

Trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn An Giang rất ấn tượng: đạt 1,12 tỷ USD, tăng 16% so với kế hoạch năm 2021 và tăng 20,4% so năm 2020. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh (gạo và thủy sản) đều tăng khá. Ước kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 đạt hơn 516.000 tấn, tương đương 278,5 triệu USD (tăng 3,15% so năm 2020). Đối với thủy sản, ước kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 113.700 tấn, tương đương 357,9 triệu USD (tăng 26,91% so cùng kỳ).

Năm 2021, An Giang tiếp tục công nhận thêm 10 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 70/116 xã (đạt 60,3%), trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nỗ lực tăng tốc

Thời gian qua, mối quan hệ sản xuất trong tái cơ cấu ngày càng được củng cố. Quan hệ sản xuất giữa DN với tổ chức đại diện nông dân dần được thiết lập theo chuỗi giá trị, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới được thành lập có sự tham gia của DN, tổ chức tín dụng, nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ. An Giang đang phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa (với sự tham gia của 44 HTX nông nghiệp và trên 200 tổ hợp tác). Tỉnh tiếp tục ký ghi nhớ với công ty này về thành lập 200 HTX nông nghiệp gắn với DN đến năm 2025.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch “Thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay”. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình, đề án trọng điểm của ngành nông nghiệp, như: Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; đề án cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030… Từ đó, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Lâm, An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, chú trọng vai trò của dự báo và nhu cầu thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào quản lý kinh tế nông nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế hợp tác, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, An Giang tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tích tụ đất đai để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.


NGÔ CHUẨN