Đột phá phát triển kinh tế An Giang xứng tầm khu vực

30/08/2022 - 19:43

 - Trải qua 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022), vùng đất An Giang có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Với vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN, là vùng phên giậu của Tổ quốc, được Thủ tướng Chính phủ xác định là vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, An Giang có cơ hội và điều kiện vươn lên xứng tầm khu vực.

Khẳng định vị thế

Dành nhiều thời gian nghiên cứu về An Giang, PGS.TS Đoàn Minh Huấn (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) cho rằng, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh An Giang không ngừng phát huy năng lực của khối óc và đôi bàn tay, xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, xứng đáng là phên giậu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xứng tầm với công sức khai mở, vun bồi của tiền nhân.

Là nơi dòng Mekong chia thành 2 nhánh chảy vào Việt Nam (sông Tiền và sông Hậu), mang đậm dấu ấn miền Tây sông nước, xét về mặt tự nhiên, An Giang có nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, có nguồn tài nguyên du lịch (DL) đa dạng, độc đáo, tính khác biệt rõ nét so với nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tỉnh có cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường thủy), giao thương kinh tế biên mậu thuận lợi với Campuchia và thị trường ASEAN, có tính kết nối liên vùng, quốc tế. “An Giang có nhiều điều kiện để xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương mang tính đột phá, sáng tạo để thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội (KTXH)” - PGS.TS Đoàn Minh Huấn đánh giá.

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 đổi mới, An Giang được đánh giá địa phương năng động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Nhờ những đột phá trong nông nghiệp, An Giang vươn lên từ một tỉnh đói ăn trở thành vựa lúa cả nước, “cái nôi” của nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2000-2020, kinh tế An Giang duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm); GRDP bình quân đầu người tăng nhanh từ 4,5 triệu đồng/năm (năm 2000) lên 46,6 triệu đồng/năm (năm 2020). Thực hiện Chương trình hành động 59/CTr-UBND, ngày 13/2/2017 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, tỉnh đã thu hút 26 dự án đầu tư vào ngành DL, tổng mức đầu tư hơn 6.486 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh thu hút 38 triệu lượt khách DL; tổng doanh thu từ hoạt động DL đạt trên 21.000 tỷ đồng, doanh thu xã hội từ hoạt động DL đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Khắc phục điểm yếu để phát triển

Theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn, mặc dù đạt được thành tựu nổi bật, nhưng An Giang cũng bộc lộ hạn chế, điểm yếu cần thẳng thắn nhìn nhận. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo chiều rộng, phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giản đơn cho thấy thiếu sự bền vững; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của An Giang còn chậm, chưa có kết quả rõ rệt. Hệ quả là từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng kinh tế của An Giang chậm lại. Năm 2020, năng suất lao động của An Giang là 56,2 triệu đồng, chỉ bằng 48% của cả nước (bình quân cả nước là 117,4 triệu đồng); GRDP năm 2020 đạt 46,6 triệu đồng, chỉ bằng 83% vùng ĐBSCL, bằng 72% mức bình quân chung cả nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, xứng tầm khu vực, An Giang tiếp tục xác định nông nghiệp là nền tảng của kinh tế địa phương; dịch vụ, DL và công nghiệp là động lực cho phát triển. PGS.TS Đoàn Minh Huấn cho rằng, tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, ứng dụng có chọn lọc thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với điều kiện địa phương, để có cách tiếp cận, đi tắt đón đầu hợp lý trong hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp được xác định ưu tiên, nhất là công nghiệp chế biến.

UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Trong triển khai, tỉnh cần khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh, như: Lúa, cá, cây ăn trái, chăn nuôi. Bên cạnh đó, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu, gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.

Theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn lưu ý: “An Giang cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng DL, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. “Các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của An Giang cần được đặt trong sự tương tác với các vùng miền cả nước, nhất là vùng ĐBSCL, nhằm tăng cường tính phối hợp và liên kết trên tất cả lĩnh vực để phát triển bền vững. Trong đó, cần quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030, đạt trên mức trung bình cả nước.


NGÔ CHUẨN