Đưa công nghệ thông minh vào đồng ruộng

13/01/2022 - 04:56

Từ ngày 11-1 đến 13-1-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cùng các đơn vị liên quan triển khai thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại lúa tại An Giang. Chỉ với 1 chiếc smartphone (điện thoại thông minh) có kết nối 3G, 4G, 5G, nông dân tự kiểm soát sinh vật gây hại, kết nối dễ dàng với hệ thống xử lý thông minh, tương tác với chuyên gia để được tư vấn phòng trừ hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt lưu ý về triển khai ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa”

An Giang tiên phong

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột để ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Chuyển đổi số cũng góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Tại hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đều xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Với thế mạnh canh tác lúa, An Giang là địa phương tiên phong đưa công nghệ thông minh vào đồng ruộng. Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ tháng 6-2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh Mismart và Sở NN&PTNT xây dựng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên lúa.

Phần mềm được thực hiện đồng loạt, bao gồm xây dựng ứng dụng (App) nhận diện sinh vật gây hại trên điện thoại bằng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) kết hợp với hệ thống chuyên gia tương tác trực tuyến với người sử dụng. Đây là những công cụ hỗ trợ nông dân nhận diện, chẩn đoán vấn đề liên quan tới sinh vật gây hại cây trồng, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” được sự tư vấn chuyên sâu của các bên liên quan, trong đó có nông dân, nhằm đảm bảo thiết kế nội dung và giao diện đơn giản, hiệu quả, thuận tiện cho người sử dụng. 

Đến nay, phần mềm được hoàn thiện và triển khai thí điểm tại An Giang, đáp ứng nhu cầu của nông dân, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nông nghiệp. Phần mềm này có thể tải dễ dàng từ kho dữ liệu trên nền tảng di động Android và IOS.

Kho thông tin trong chiếc smartphone

Kỹ sư công nghệ Trịnh Văn Thành (Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) cho biết, ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” cung cấp cho nông dân chức năng tự động nhận diện loài sinh vật gây hại qua ảnh chụp, có thể tra cứu thông tin về sinh vật gây hại, gồm: Hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ. Ứng dụng cung cấp văn bản, tài liệu BVTV; quy trình phòng, chống sinh vật gây hại do Cục BVTV ban hành; thông tin cảnh báo, khuyến cáo về sinh vật gây hại. Ứng dụng còn có trang Thư viện sinh vật gây hại, cung cấp thông tin hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ 112 loài sinh vật gây hại trên lúa. Cùng với đó là trang tin tức để nông dân nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông sản, tin BVTV.

Theo kỹ sư Thành, ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” được phát triển dựa trên tương tác, cung cấp dữ liệu lớn từ người dùng, nên cho phép người dùng tự nhập phản ánh về lỗi ứng dụng, vướng mắc, cung cấp thêm dữ liệu về sinh vật gây hại để làm cơ sở hoàn thiện phần mềm. Nông dân khi gặp khó khăn, cần hỗ trợ hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin, có thể tự đặt câu hỏi trên công cụ trợ lý ảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý ngôn ngữ được tích hợp trong ứng dụng, hỗ trợ mọi lúc mọi nơi.

Từ ngày 11-1 đến 13-1-2022, đại diện Cục BVTV cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, kỹ sư công nghệ của Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel triển khai thực tế phần mềm “nhận diện sinh vật gây hại lúa” trên đồng ruộng tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), xã Bình Mỹ và thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú). Tại mỗi điểm có 40 nông dân tham gia (chia thành 2 nhóm/điểm). Nông dân được kỹ sư công nghệ, cán bộ kỹ thuật giới thiệu về phần mềm, hướng dẫn cài đặt App “nhận diện sinh vật gây hại lúa” và thử nghiệm chức năng hệ thống. Nông dân còn được hướng dẫn sử dụng chức năng chụp ảnh nhận diện sinh vật gây hại và Chatbox, ghi phiếu khảo sát.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, sau triển khai thực tế, các đơn vị liên quan sẽ có cơ sở đánh giá mức độ chính xác của AI trong việc nhận diện các loài sinh vật gây hại. Đồng thời, thu thập phản hồi từ nông dân để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung tính năng của ứng dụng trong phiên bản tiếp theo.

“Hơn 10 năm trước, Google dịch thường mắc rất nhiều lỗi sai. Nhờ sự bổ sung, phản hồi của lượng lớn người dùng, phần mềm Google dịch hiện có khả năng dịch khá chính xác. Ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” cũng vậy, cần khuyến cáo thật nhiều nông dân sử dụng, tương tác, phản hồi thì mới có được dữ liệu lớn, ngày càng hoàn thiện và chính xác hơn” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ lưu ý.

NGÔ CHUẨN