Đưa đặc sản An Giang vươn xa

31/01/2022 - 06:00

 - An Giang là vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản lớn, nên hình thành nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề thủ công sản xuất, chế biến nông sản đặc sản địa phương, trong đó có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là sản vật để khách du lịch trong và ngoài nước thưởng thức, mua làm quà biếu mỗi khi đến với An Giang.

Cá linh là sản vật của mùa nước nổi bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch). Khai thác từ sản vật hương vị mùa nước nổi, Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đã “biến tấu” cá linh thành nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sản mùa nước nổi đóng hộp được tiêu thụ trong và ngoài nước, được khách hàng gần xa ưa chuộng và chọn mua làm quà biếu khi đến vùng đất An Giang.

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Ngọc Vinh cho biết: “Các sản phẩm đặc sản, như: Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, đậu nành rau được tiêu thụ mạnh thị trường trong nước ở các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, miền Bắc và trong hệ thống siêu thị, như: Co.opmart, Foodcorp của Satra, MM Mega Market, Aeon Mall, Color man... Đậu nành rau xuất đi thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc... Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên trang thương mại điện tử, như: Antescomart.com, voso.vn, sendo.vn”.

Ở vùng Bảy Núi, nguồn nguyên liệu đặc trưng từ cây thốt nốt được các doanh nghiệp trẻ quan tâm khai thác, tạo ra nhiều sản phẩm thơm ngon, đa dạng, phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng và vang danh.

Tiêu biểu là sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania và đường thốt nốt bột Palmania của Công ty Cổ phần Palmania (sản phẩm OCOP 4 sao), đã chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Người làm nên thương hiệu giúp nâng cao giá trị đặc sản thốt nốt Bảy Núi này là cô gái trẻ Chau Ngọc Dịu (Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania, huyện Tri Tôn).

Sau 4 năm hoạt động, với định hướng phát triển bền vững, sản phẩm đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, khẳng định được vị trí trên thị trường, góp phần đưa đặc sản vùng Bảy Núi vươn xa.

Mật thốt nốt Palmania đã được phân phối trên 16 tỉnh, thành phố với hơn 50 điểm bán trên cả nước. Đặc biệt, mật thốt nốt bột Palmania bán tại cửa hàng Naturazone (TP. Helsinki, Phần Lan); cửa hàng Six&Sons (TP. Amsterdam, Hà Lan) và bán trực tuyến (online) các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu.

“Với ước mơ nâng tầm đặc sản quê hương, cùng khát khao chinh phục thị trường thế giới và đam mê của tuổi trẻ, Palmania luôn là động lực giúp chúng tôi vững bước trên con đường đã lựa chọn. Chúng tôi luôn cố gắng để thực hiện được ước mơ đưa sản phẩm bình dị, thân quen với thương hiệu Việt Nam đến với khách hàng thế giới” - chị Dịu chia sẻ.

Một sản phẩm đặc sản Bảy Núi vừa đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 là “Tinh dầu chúc”, được chế biến từ loài cây chúc đặc sản vùng Bảy Núi.

Người tiên pho ng tạo ra dòng sản phẩm này là cô Châu Hải Yến (huyện Tri Tôn). Năm 2018, tinh dầu chúc bắt đầu được bán ra thị trường với tên gọi tinh dầu chúc Yến Hương và được nhiều khách hàng đón nhận với nhiều dược tính tốt cho sức khỏe. Sản phẩm được bày bán tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trang thương mại điện tử: Tiki, Sendo, Shopee, Lazada...

Từ tinh dầu chúc, cô Yến còn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm, như: Xà bông, nước rửa tay, nước rửa chén, serum dưỡng tóc hương chúc... góp nâng giá trị đặc sản Bảy Núi.

Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời - Thiên Vương là gạo đạt giải nhất Hội nghị lúa gạo năm châu năm 2018. Gạo có hạt thon dài, mảnh mai, cơm có vị đậm, ngọt của gạo và độ mềm, dẻo, không dính, hòa quyện với sự kết hợp tinh tế giữa hương lài và hương lá dứa của 2 giống gạo lừng danh là Lộc Trời 1 (đạt giải ba cuộc thi đấu xảo gạo ngon thế giới năm 2015) và Basmati. Gạo Hạt Ngọc Trời - Tiên Nữ là sự kết hợp giống lúa Tiến Vua xưa và giống Móng Chim hiếm có.

Gạo mầm Vibigaba sản xuất từ giống lúa LT28 (gạo Thiên Vương), được trồng trên vùng nguyên liệu SRP 100 (quy chuẩn canh tác lúa, gạo bền vững, thân thiện với môi trường). Xuất phát từ hạt thóc sau thu hoạch, chỉ bóc lớp vỏ trấu, vẫn còn giữ nguyên lớp vỏ lụa (còn gọi là lớp cám gạo) và mầm gạo, Tập đoàn Lộc Trời đã dùng công nghệ hiện đại riêng để tối ưu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là kích hoạt được hoạt chất GABA trong mầm gạo có hàm lượng cao gấp 6-10 lần so với gạo lứt, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng.

An Giang còn nổi tiếng với sản phẩm gạo sữa Dương Xuân Quả của Công ty TNHH MTV công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả, sản phẩm gạo cao cấp, chất lượng hảo hạng được tuyển chọn từ giống lúa đặc sản cho chất lượng cơm thơm ngon, độc đáo. Đặc biệt, gạo sữa khi nấu cháo sẽ cho ra hương vị thơm, béo, rất ngon. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao, được thị trường ưa chuộng. “Tôi quyết tâm đưa gạo sữa hữu cơ tiêu thụ khắp cả nước, để người dân biết đến sản phẩm gạo thơm ngon với giá hợp lý” - ông Quả chia sẻ.

Nhằm gia tăng giá trị của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và các sản phẩm tiềm năng, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các đặc sản địa phương, có giải pháp chiến lược quảng bá, xúc tiến và phát triển nâng tầm giá trị sản phẩm, đáp ứng thời kỳ kinh tế hội nhập.

An Giang có 51 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm đặc sản được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 và 5 sao, như: Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, đường thốt nốt sệt Palmania, sản phẩm tương hột, bánh hạnh nhân, tranh lá thốt nốt, tinh dầu chúc...
An Giang có 2 sản phẩm gạo thơm đặc sản Thiên Vương và sản phẩm gạo ngon tiến vua Tiên Nữ của Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) đạt “Sản phẩm OCOP cấp quốc gia” năm 2020.

HẠNH CHÂU