Tuần qua, giá gạo chuẩn 5% tấm của Thái Lan đạt 480 - 505 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 và tăng từ mức 470 - 495 USD của tuần trước. Đây cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của giá gạo xuất khẩu Thái Lan.
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các công ty đóng gói gạo Thái Lan (TRPA) Somkiat Makayatorn, giá gạo đóng túi ở Thái Lan tăng do hạn hán kỉ lục trong 40 năm qua và người dân có tâm lý tích trữ phòng dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 và hạn hán tác động tới việc tăng giá gạo ở Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm cuối tuần qua đã lên mức giá 410 USD/tấn, tăng 5-10 USD/tấn so với tuần trước đó, đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kì năm trước; trong đó ngoài thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất như trên, còn có một số thị trường cũng tăng rất mạnh như Pháp, Đài Loan, Senegal, Nga...
Đối với lúa gạo trong nước, Bộ NNPTNT cho biết, hiện các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp là 5.400 - 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và kí hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg.
Mặc dù giá gạo tăng nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản lượng trong thời gian tới. Tính đến 15/2, diện tích gieo cấy của vùng ĐBSCL giảm 53,4 nghìn ha so với cùng kì năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên nhiều địa phương chủ động cắt giảm diện tích xuống giống hoặc chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước.
Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, một trong những DN chủ lực cung ứng mặt hàng gạo cho TP.HCM cho biết, giá gạo đang tăng từng ngày do tâm lí sợ hết hàng, dẫn đến hiện tượng gom hàng, tích trữ của người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, theo ông Trung, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản lượng và giá lúa, gạo. Tình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên thường mua với số lượng nhiều hơn. Mối lo ngại lớn nhất của hiện nay là việc đảm bảo nguồn cung gạo cho hợp đồng đã kí kết rất khó khăn. Người nông dân không bán gạo, vì họ lo rằng sự bùng phát của Covid-19 sẽ duy trì trong thời gian dài.
“Là doanh nghiệp bình đăng kí lại giá bình ổn hàng năm, Vinh Phát cam kết không tăng giá trong giai đoạn này. Qua mùa dịch Covid-19, nếu giá gạo không giảm xuống thì lúc ấy doanh nghiệp mới đề nghị điều chỉnh giá cho phù hợp với tình hình thị trường”, ông Trung thông tin.
Trong 2 tháng đầu năm, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo nước ta đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019:
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo ít chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bởi Trung Quốc không chiếm thị phần lớn như trước kia.
Theo bà Tâm, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 477.000 tấn, trong tổng số xuất khẩu trên 6 triệu tấn, trong khi cách đây 5 - 6 năm, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu.
“Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, nhờ vậy trong đợt dịch này, xuất khẩu gạo không chịu tác động nhiều”, bà Tâm nói.
Theo Dân Việt