Giữ tâm sáng khi cầm bút là thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của người làm báo chân chính

19/06/2021 - 11:15

 - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của người làm báo. Quán triệt tư tưởng của Người, 96 năm qua, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã không ngừng rèn luyện, có được phẩm chất nghề nghiệp tốt, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Hình tư liệu

Trong quá trình tác nghiệp, đại đa số người làm báo luôn thực hiện nghiêm túc sự lãnh, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí, các quy định của Luật Báo chí,10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam... Đã có những tác phẩm báo chí thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình, những thành tựu của công cuộc đổi mới, kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, sai trái, tiêu cực, quan liêu; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

 Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng báo chí trong cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đã bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. 

Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, đang nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch COVID-19. Đó là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí. Đó chính là làm báo cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, là nét đẹp, thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm xã hội, sứ mạnh cao cả của người làm báo chân chính đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Tuy nhiên, có lúc, một số cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đáng lưu ý là tình trạng xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm báo. Trong tác nghiệp có lúc thiếu cẩn  trọng trong việc đưa thông tin, chưa xác định được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình…gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh những người làm báo chân chính và thương hiệu của cơ quan báo chí.

Điều này đặt ra cho những người làm báo rất nhiều vấn đề về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo. Bởi vì, đứng trước một vấn đề, nhà báo có đưa tin hay không đưa tin, đưa tin ở mức độ nào, phân tích khía cạnh nào thường phụ thuộc vào chủ quan của người cầm bút, liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Do vậy, người làm báo cần phải suy nghĩ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Và khi đã thu thập và xử lý đủ thông tin, người viết phải “giữ tâm trong”, không chạy theo thị hiếu tầm thường mà bỏ qua giá trị tốt đẹp, chức năng cơ bản của báo chí. Người viết phải có quan điểm rõ ràng, có chính kiến và rất cần sự trung thực, luôn vì cái chung, sự phát triển đi lên, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân, của dân tộc lên đầu trang viết. Người viết có tâm trong thì tác phẩm có hồn, vì cái chung để tuyên truyền hay phê phán, thậm chí lên án thì tác phẩm sẽ đọng mãi trong lòng độc giả và tất yếu có tác dụng rất lớn, ngược lại sẽ phản tuyên truyền, bị độc giả lên án.

Kế thừa, phát huy truyền thống 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021), thế hệ làm báo hiện nay, phải luôn tự dặn mình phải không ngừng học tập và noi theo gương Bác Hồ về phong cách và đạo đức làm báo, tôi luyện “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; thực hiện Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội khi cầm bút. Đi kèm với đó, mỗi nhà báo cần nhìn nhận cho rõ ranh giới trách nhiệm của người làm báo với trách nhiệm công dân khi hành nghề cũng như khi tham gia mạng xã hội.

TRƯỜNG GIANG