Hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

09/03/2022 - 06:59

 - Công tác dân số ở An Giang ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Hiện, dân số trung bình cả tỉnh ước đạt hơn 1,9 triệu người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,9%, tỷ số giới tính khi sinh 108,63 trẻ em trai/100 trẻ em gái; 248.379 người áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi, tầm soát dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc người cao tuổi tiếp tục được thực hiện tốt…

Nâng cao chất lượng dân số  đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Để tăng cường truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tham mưu Sở Y tế triển khai các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển; kỷ niệm, hưởng ứng các sự kiện năm 2021. Phối hợp Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyên mục hàng tháng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan lĩnh vực phụ trách. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền thêm về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; thăm hộ gia đình, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, tư vấn trực tiếp cho đối tượng trong độ tuổi kết hôn...

Cung cấp 5.700 tờ rơi, sản phẩm truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và khám sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên. Tư vấn cho 4.750 đối tượng chuẩn bị kết hôn về sức khỏe sinh sản; cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên. Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, các biện pháp tránh thai, sức khỏe tình dục... Đồng thời, cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,27%.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang Văn Kim An, tỉnh triển khai tốt chương trình, mô hình, đề án; chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng, như: Tổ chức hội nghị chuyên đề về tác động tích cực việc thực hiện điều chỉnh mức sinh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ổn định quy mô, cơ cấu dân số cho cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong xã hội; củng cố hệ thống chỉ báo, chỉ tiêu về quy mô dân số và mức sinh. Đưa chỉ tiêu phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng, thí điểm chính sách khen thưởng cá nhân, tập thể vận động vợ chồng trong tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và các nhiệm vụ mới về điều chỉnh mức sinh. Kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đánh giá; kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng dân số, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại 100% xã, phường, thị trấn. Qua đó, có 10.578 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh (đạt 105,3% kế hoạch năm, đạt tỷ lệ 35,2% phụ nữ mang thai), phát hiện 111 trường hợp nguy cơ cao (Trisomy, hội chứng Down, dị tật ống thần kinh...). Có 17.499 trẻ được sàng lọc sơ sinh (đạt 77,2% kế hoạch năm), chẩn đoán xác định bệnh 41 trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có 16 cơ sở y tế triển khai kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân. Duy trì 156 Câu lạc bộ tiền hôn nhân, có 4.683 thành viên tham gia; 156 Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, có 4.806 thành viên tham gia; duy trì và thành lập mới 156 Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có 4.680 thành viên; 16 cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2022, tỉnh chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước bền vững. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số. Tổ chức hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đến vùng mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, tiếp tục tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ thông qua hệ thống Tổng đài tư vấn “Hạnh phúc cho mọi nhà”.

Tổ chức chiến dịch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày dân số Việt Nam (26-12). Tiếp tục thực hiện các chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tăng cường cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên tại cơ sở.

HẠNH CHÂU