Hiệu quả từ mô hình trồng sen

11/01/2022 - 06:41

 - Sau vụ canh tác lúa không nhiều hiệu quả, từ sự vận động của người thân, ông Trần Văn Đẳng (ngụ ấp Hòa Phát, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chuyển đổi sang mô hình trồng sen lấy ngó và lấy gương, giúp gia đình nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Sen dễ trồng

Ông Đẳng cho biết, trước đây ông canh tác lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không như mong đợi. Đặc biệt gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất cao, giá lúa lên xuống thất thường, gia đình gặp nhiều khó khăn. Được người quen giới thiệu, ông Đẳng quyết định đưa cây sen vào trồng thử nghiệm. Khi thấy hiệu quả cây trồng này mang lại khá cao, gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích.

Mô hình trồng sen đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng ở xã Phú Hiệp

Để việc canh tác sen thuận lợi, ông Đẳng tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Sen là loại cây rất dễ trồng, sức sinh trưởng mạnh mẽ, thích nghi tốt với thổ nhưỡng địa phương. Loại cây trồng này không đòi hỏi kỹ thuật cao, ngược lại ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp... Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian trồng sen có thể rút ngắn hay kéo dài. Thời tiết thuận lợi, sau 1,5 tháng trồng là sen mọc đầy ruộng, nông dân bắt đầu thu hoạch ngó sen. Thời gian thu hoạch ngó kéo dài 1 tháng hoặc lâu hơn. Sau khi thu hoạch ngó, ông Đẳng chuyển sang thu hoạch gương sen. Thu hoạch dứt điểm, ông Đẳng chiết lấy cây con, tiến hành cải tạo đất, nhân giống để tiếp tục cho vụ sau. Với cách làm này, mỗi năm ông Đẳng có thể canh tác 2 vụ sen, năng suất lẫn chất lượng ngó và gương được đảm bảo.

Gắn bó với cây sen được 6 năm, ông Đẳng khẳng định: Mặc dù sen dễ trồng, nhưng nông dân không nên chủ quan. Trên cây sen thường gặp một số bệnh (như: Thán thư, thối nhũng ngó...), nông dân cần thường xuyên thăm ruộng để phát hiện, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch ngó, nông dân phải bón phân, phun thuốc kích thích sinh trưởng để bổ sung chất dinh dưỡng, đồng thời đề phòng cây bị chết do mất sức...

Hiệu quả kinh tế khả quan

Nhờ những kiến thức có được trong quá trình canh tác, cũng như học hỏi thêm từ người đi trước, ông nhận lại lợi nhuận khả quan. Các sản phẩm từ sen cho năng suất cao, chất lượng được đảm bảo, mang đến kinh tế vững chắc cho gia đình.

Ông Đẳng cho biết, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sen trồng 20 ngày là có thể thu hoạch ngó. Với 6 công trồng sen, bình quân mỗi ngày thu hoạch 10kg, giá bán thấp nhất khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu về 6 triệu đồng. Ngoài ngó sen, mỗi vụ ông Đẳng còn thu hoạch từ 300-500kg gương sen/công. Những năm trúng mùa, 1 công sen có thể cho 700-800kg gương. Mặt hàng này được thương lái thu mua với giá khá cao, từ 30.000 đồng/kg trở lên.

"Nếu tính giá thấp nhất (15.000 đồng/kg đối với ngó và 20.000 đồng/kg đối với gương), mỗi vụ, gia đình tôi thu về lợi nhuận trên 10 triệu đồng/công. Đặc biệt, sen chỉ trồng 1 lần mà có thể thu hoạch dài hơi, mỗi năm canh tác 2 vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Từ 6 công ban đầu, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng sen lên gấp đôi. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tôi được đảm bảo” - ông Đẳng chia sẻ.

Vụ sen trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Sen đến ngày thu hoạch nhưng thương lái không đến mua. Gia đình ông phải phơi khô để bán, giá khá thấp. Khi việc đi lại của người dân dễ dàng, sen được tiêu thụ mạnh hơn, giá hạt sen cao nên người trồng sen như ông Đẳng vô cùng phấn khởi.

Hiện nay, sản phẩm từ cây sen bán rất chạy. Hầu như thu hoạch tới đâu, thương lái thu mua tới đó, nên nông dân không phải lo đầu ra. Với ưu thế thời gian thu hoạch ngắn, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ, trồng sen là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Mô hình mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc trồng sen còn tạo thêm việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương, góp phần tạo vẻ đẹp cho cảnh quan vùng nông thôn.

ĐỨC TOÀN