Hoa kiểng giá bình dân phục vụ Tết

05/01/2022 - 06:13

 - Giảm số lượng, diện tích và chọn chủng loại có giá cả bình dân để phát triển là cách nhiều nông hộ trồng hoa kiểng ở địa phương lựa chọn, nhằm thích ứng tình hình dịch bệnh COVID-19.

Ông Hồ An Ghem (Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hoa kiểng Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh nên người trồng hoa kiểng chủ động giảm khoảng 50% số lượng và diện tích so với những năm trước. Các loại hoa kiểng chủ đạo, đặc trưng của xứ cù lao ông Hổ vẫn như mọi năm, gồm: Mai vàng, cúc pha lê, bon-sai các loại, kiểng gốc, bông trang lá lớn, lá nhỏ… Thời điểm này, người trồng hoa kiểng bắt đầu đăng ký lô bán hoa ở chợ hoa phường Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên). Thành viên trồng cúc pha lê trong CLB vừa giảm số lượng cây giống, vừa tăng số lượng chậu cúc pha lê nhỏ với giá tiền bình dân, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng.

“Nếu như trước, có hộ trồng từ 1.000-2.000 chậu cúc pha lê, năm nay chỉ dừng lại 1.000 chậu. Vẫn có chậu cúc pha lê lớn để đáp ứng mối quen, nhưng giá tiền cao buộc bà con sản xuất vừa đủ đơn đặt hàng. Còn đa phần, họ tập trung sản xuất cúc pha lê chậu nhỏ (nhựa), giá dao động từ 200.000-300.000 đồng/cặp” - ông Ghem giải thích. Dù sản xuất trong chậu nhỏ, nhưng gặp thời tiết thích hợp, nông dân ra sức chăm bón, hoa hay kiểng đều đạt chất lượng rất tốt. Đây là cách làm mà người trồng hoa ở xứ cù lao thích ứng với thị trường hoa Tết năm nay.

Đặc trưng mai vàng ở cù lao ông Hổ có 2 loại. Ngoài loại có gốc, dáng đẹp được người trồng tuyển chọn vào chậu để chăm sóc, bán với giá cao, phần nhiều mai vàng được người dân trồng xen vào rẫy rau màu. Thời điểm Tết, người dân chở nguyên bầu mang qua chợ hoa bán, giá tiền rẻ hơn rất nhiều so với loại vô chậu sẵn, người dân có thêm lựa chọn chưng Tết, hợp túi tiền. Ông Ghem cho biết, nhờ cách làm này mà rất nhiều nông dân địa phương có thêm thu nhập đáng kể. Hộ nào trồng nhiều còn được thương lái tìm mua quanh năm, mỗi lần từ vài chục đến vài trăm cây.

“Cả chục năm nay, mai vàng ở xã Mỹ Hòa Hưng rất được giới chơi mai săn đón, nhiều nghệ nhân đoạt giải cao trong các cuộc thi cây cảnh. Mai ở đây có thể phát triển bình thường và cho hoa nhiều hơn vào những năm sau, sử dụng lâu dài. Đây là ưu điểm đặc biệt, tạo được tiếng vang, thương hiệu cho mai vàng cù lao ông Hổ” - ông Ghem tự tin.

Những năm trước, mai được bán khoảng 500.000 đồng/gốc, năm nay có giá cao hơn gấp đôi, gấp ba. Đó là nhờ nông dân không chỉ trồng mai xen canh vào rẫy rau màu bán số lượng, mà còn học hỏi kỹ thuật uốn thân mai từ nhỏ, tạo hình thú, hình người vừa lạ, vừa đẹp mắt, từ đó giá trị kinh tế cũng nâng lên. Đây là điểm đặc biệt của thị trường mai vàng cù lao ông Hổ lúc này.

Năm nào cũng vậy, ngày thường anh Võ Văn Bé Năm (nông dân phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) chủ yếu canh tác rau màu theo phương pháp hữu cơ, gần Tết chuyển sang trồng cúc pha lê, vạn thọ. Năm nay, số lượng cúc pha lê, vạn thọ của vườn nhà anh Bé Năm giảm, khoảng 600 chậu cúc pha lê nhỏ, giá bán dự kiến từ 300.000-330.000 đồng/cặp. Riêng 50 chậu cúc pha lê loại lớn, anh bán cho thương lái khoảng 1,5 triệu đồng/cặp (bán lẻ giá cao hơn một chút), vạn thọ chỉ khoảng 100 chậu.

“Số lượng cúc pha lê năm nay giảm nhiều so với mọi năm, nguyên nhân do ngay thời điểm đặt chậu, cây giống về trồng thì dịch bệnh hoành hành. Vận chuyển khó khăn, giá thành cao, chi phí sản xuất bị đội lên cao hơn. Giá bán cao thì khó ra thị trường, còn nếu bán giá thấp, người trồng không còn lãi. Tính tới tính lui, tôi chủ động giảm số lượng, tập trung phát triển loại chậu nhỏ, giá bình dân, mong là sẽ dễ bán hơn” - anh Bé Năm thiệt tình.

Khoảng 1 tháng nay, anh Phạm Thành Lãm (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) chọn lựa cây hạnh (tắc) có dáng đẹp, trái sai trong vườn nhà để bán cho người dân chưng Tết. Ban đầu, vườn hạnh của gia đình anh chủ yếu trồng để lấy trái. Thời điểm cận Tết, anh Lãm nảy ra ý tưởng lựa cây hạnh có dáng đẹp, tán tròn đều, trái nhiều để đăng lên mạng xã hội, giới thiệu bán hàng. Cây hạnh 1,5 năm tuổi được chào bán với giá 250.000 đồng, nhiều người ủng hộ. Thời điểm này mua về, người dân chỉ cần cho vào chậu, thêm đất, tưới nước, bón phân. Chưng đẹp cho ngày Tết xong, còn có thể thu hoạch trái để dùng.

Anh Lãm chia sẻ: “Do ý tưởng mới xuất hiện gần đây, nên tôi vẫn chưa có kỹ thuật để hạnh ra trái nhiều như hộ trồng chuyên nghiệp. Về sau, tôi sẽ định hướng phát triển theo hướng này. Muốn cây hạnh có giá trị kinh tế cao, cải tạo làm kiểng là phương pháp hay nhất. Phải chịu khó học hỏi kỹ thuật, cây hạnh phát triển tán tròn đều, trái sai và chín rộ là thành công”.

Với tâm thế sẵn sàng thích ứng, vừa sản xuất, vừa phòng dịch, nông hộ trồng hoa năm nay mong có thể đón cái Tết đấm ấm, sung túc. Dù giá cả đầu vào, từ cây giống, phân bón đều tăng khoảng 20-30% so với trước, người trồng vẫn cố gắng không tăng giá bán nhiều, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong thời điểm dịch bệnh.

ÁNH NGUYÊN