Khẩn trương vào guồng việc
Ngày 7-2 (mùng 7 Tết), các công sở đã bước vào ngày làm việc đầu tiên, bảo đảm phục vụ nhu cầu giao dịch hành chính của tổ chức, công dân. Để “giờ đầu, buổi đầu” vận hành trơn tru mọi việc, tại các cơ quan, đơn vị, mọi người có mặt đông đủ, bắt tay ngay vào nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc. Qua đó, tạo khí thế làm việc hăng say của cán bộ, công chức, viên chức, hứa hẹn một năm mới với nhiều thành công mới.
Để bắt tay vào làm việc ngay sau Tết, các đầu công việc đã được triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, ngành, bộ phận từ cuối năm 2021. Trong đó, có những nội dung thi đua quan trọng để lập thành tích chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022), các sự kiện lớn trong năm, phát huy sáng kiến, sáng tạo để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Không khí làm việc đầu năm tại các cơ quan hành chính
Những ngày làm việc sau Tết, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” ở các địa phương tiếp nhận khá đông nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính ngày đầu năm. Vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ ở bộ phận này đều chuẩn bị nghiêm túc các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất đảm bảo vận hành trôi chảy. Ông Nguyễn Văn Luận (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) để làm thủ tục chia đất cho các con. Sáng mùng 7 Tết, ngay ngày làm việc đầu tiên khi đến liên hệ, ông được cán bộ đón tiếp nhiệt tình, hướng dẫn rõ ràng, thủ tục thực hiện nhanh gọn. Bên cạnh đó, còn có bộ phận bên ngoài hướng dẫn viết tờ khai để làm thủ tục được nhanh nhất.
Tại các điểm cấp căn cước công dân, tập trung khá đông người dân đến làm thủ tục cấp mới căn cước công dân, đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp điện tử. Cán bộ, chiến sĩ luôn tận tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân sớm hoàn tất hồ sơ, bởi đa số người đến xin cấp căn cước công dân đầu năm là lao động làm việc ngoài tỉnh, tranh thủ dịp về quê nghỉ Tết để làm thủ tục mới.
“Trước khi đến làm thủ tục, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ đợi lâu, vì thấy lượng người ngồi chờ rất đông. Tuy nhiên, tiến độ khá nhanh nên ai cũng thấy vui vẻ. Trong quá trình làm, bà con luôn được nhắc nhở ngồi giữ khoảng cách, đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Dù số lượng người đông nhưng không khí chung đều thấy thoải mái, không phiền hà” - chị Nguyễn Thị Kim Hiền (huyện Châu Phú) chia sẻ.
Nông dân phấn khởi ra đồng
Trước, trong và sau Tết, các địa phương đều chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường truyền thông, nhắc nhở nông dân thăm đồng thường xuyên để theo dõi dịch hại trên cây trồng, áp dụng các biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại. “Nhà nông sản xuất hầu như không nghỉ, vì nhớ ruộng vườn lắm. Mùng 3 Tết, tôi đã ra đồng thăm lúa, nhờ thời tiết thuận lợi nên ruộng ít bị sâu bệnh. Theo khuyến cáo, tôi đã chủ động biện pháp ngừa bệnh đạo ôn, nhện gié…
Qua thông báo trên hệ thống truyền thanh và cán bộ kỹ thuật, vụ này tôi lưu ý nhất là áp dụng kỹ thuật giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng khi giá vật tư trên thị trường đang tăng. Nhờ vậy, đầu năm ra đồng tâm trạng rất thoải mái” - nông dân Nguyễn Bình An (TX. Tân Châu) cho biết.
Cùng nông dân thăm đồng sau Tết
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường được kết nối trở lại, giá cả rau màu ổn định hơn giúp nông dân thêm phấn khởi. Ông Huỳnh Thanh Bình (TP. Châu Đốc) tham gia trong tổ hợp tác trồng rau màu an toàn cho hay, sau vụ Tết, vẫn còn rằm tháng Giêng là đợt tiêu thụ rau màu rất mạnh. Theo kinh nghiệm, bà con sản xuất nhiều hơn, cân đối thời gian để cung ứng đủ cho bạn hàng. Vùng rau màu tại đây duy trì nhiều năm theo hướng sản xuất an toàn, khẳng định được uy tín và chất lượng nên được thị trường tin tưởng đón nhận. Hai vụ rau gần đây, do có phần lo lắng về thị trường và tình hình dịch bệnh nên mọi người chọn sản xuất diện tích nhỏ, giảm hơn so với thường niên. Nhờ tín hiệu lạc quan hiện nay, tổ đã động viên nông dân tăng diện tích, chọn lựa cây màu phù hợp và đa dạng nông sản để tăng thu trở lại.
Năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cả nông sản thất thường, có lúc không thể bán được, trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao. Nông dân gắn bó với đồng ruộng, chỉ có lựa chọn kiên trì sản xuất, tìm biện pháp để tiết giảm chi phí. Ông Bình kỳ vọng sau khi đã kiểm soát dịch bệnh, ngành chuyên môn sẽ có giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất để tiết kiệm hơn, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đảm bảo đầu ra ổn định.
Đang đầu tư mở rộng vườn cây ăn trái, anh Trần Văn Dũng (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) cho rằng, quan trọng nhất là đảm bảo điều kiện giá cả và đầu ra, còn vấn đề đổi mới sản xuất, tiếp thu công nghệ… nông dân sẵn sàng học hỏi hết mình.
Năm mới, khí thế mới, với tinh thần làm việc tích cực, lạc quan và nhiều kỳ vọng, ai cũng quyết tâm ra sức lao động, hướng đến mục tiêu đạt thắng lợi mới trong năm Nhâm Dần 2022.
|
MỸ HẠNH