Khởi nghiệp với mô hình lấy ngắn nuôi dài

04/10/2023 - 06:07

 - Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác của địa phương, nhạy bén trong việc lựa chọn, kết hợp các loại cây trồng, bạn Trần Duy Khánh (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn phát triển mô hình xen canh mít Thái với cóc Thái theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Mô hình đang phát huy hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình Duy Khánh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…

Lựa chọn cây trồng phù hợp

Xã Long Điền A có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của huyện Chợ Mới. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, người dân địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Cách đây khoảng 4 năm, gia đình bạn Trần Duy Khánh thực hiện chuyển đổi 7.500m2 diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Giống cây trồng được Duy Khánh lựa chọn là mít Thái kết hợp cóc Thái theo hướng lấy ngắn nuôi dài, trong đó mít là cây trồng chủ lực.

Theo Duy Khánh, những năm gần đây, mít Thái siêu sớm được người dân nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn mở rộng diện tích canh tác. Đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phù hợp điều kiện canh tác và thổ nhưỡng của nhiều địa phương, trong đó có xã Long Điền A. Ưu điểm khác của cây mít Thái là cho trái quanh năm, năng suất cao và ổn định. Đặc biệt, chất lượng trái thơm ngon nên thị trường ưa chuộng, nông dân đảm bảo được đầu ra…

Mô hình kết hợp trồng mít Thái và cóc của Trần Duy Khánh

Trong khi đó, cóc Thái cũng là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, công chăm sóc không đáng kể… Cây cóc Thái có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng khoảng 8 tháng có thể thu hoạch và cho trái quanh năm, giúp Duy Khánh có thu nhập ổn định. Qua đó, có thêm kinh phí để “nuôi” mít Thái khi chưa đến thời điểm cho trái.

Theo Duy Khánh, trong quá trình canh tác cần quan tâm đến vấn đề nước tưới cho cây. Cây không được cung cấp đủ nước sẽ cho trái nhỏ và có vị chua hơn. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện một số loại sâu hại, dịch bệnh trên cây cóc. Từ đó, có những biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời…

Chính những ưu điểm vượt trội của 2 giống cây trồng trên mà Duy Khánh đã quyết định lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Duy Khánh cho biết, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên việc canh tác còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do canh tác bằng phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng trái không cao. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn từ các lớp học, chương trình của đoàn, hội thanh niên địa phương về việc canh tác theo hướng an toàn nên việc canh tác ngày càng thuận lợi.

Theo đó, Duy Khánh tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ về cách bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tuân thủ thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến lúc thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh… “Áp dụng những phương pháp canh tác tiến bộ đã giúp năng suất và chất lượng nông sản sau thu hoạch ngày càng được cải thiện. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với trước” - Duy Khánh chia sẻ.

Hiệu quả kinh tế cao

Hiện tại, diện tích vườn cây ăn trái của gia đình Duy Khánh đang phát triển ổn định, cho năng suất và chất lượng khả quan. Với 600 gốc mít Thái, mỗi năm, cho năng suất khoảng 6,5 tấn trái, giá bán dao động từ 30.000 - 67.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Trong khi đó, cóc Thái có thể thu hoạch khoảng 10 tấn trái mỗi năm. Với giá bán bình quân từ 3.000 - 5.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập khả quan cho gia đình và chi trả một phần chi phí sản xuất. Từ việc trồng kết hợp 2 loại cây trồng này, mỗi năm, gia đình Duy Khánh thu về lợi nhuận trên 270 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Trần Duy Khánh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, phát triển mô hình với những đoàn viên, thanh niên khác ở địa phương. Duy Khánh còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do đoàn, hội địa phương phát động; thường xuyên vận động gia đình đóng góp, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương…

Với ý tưởng lấy ngắn nuôi dài, mô hình trồng kết hợp mít Thái và cóc Thái của bạn Trần Duy Khánh đã thành công khi tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Đây là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người trẻ khi quyết định khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương. 

MINH ĐỨC