Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

16/12/2019 - 07:51

 - Hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức và mức độ, hoàn cảnh khác nhau. Có nhiều nguyên nhân kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS. Sau nhiều năm đổi mới công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đã từng bước được nâng lên; tạo sự cảm thông, chia sẻ, tiến tới xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Sự kỳ thị xuất phát từ tâm lý sợ bị lây nhiễm HIV khi tiếp xúc với người nhiễm HIV, cho rằng HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh, HIV lây qua đường tình dục... Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS, nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội...

Chính từ những nguyên nhân đó gây nhiều khó khăn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bởi sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cán bộ y tế khó tiếp cận để tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái bi quan. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không được làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm hơn. Ngành chức năng không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS và khó kiểm soát tình hình dịch bệnh...

Tăng cường truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ y tế, được điều trị liên tục, suốt đời; chống kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV

Theo Sở Y tế, từ năm 1993 đến ngày 30-9-2019, An Giang phát hiện 11.227 người nhiễm HIV, trong đó có 8.660 trường hợp đã chuyển sang AIDS. Hiện có 5.773 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 4.771 người đang được điều trị tại các phòng khám ngoại trú trong tỉnh… An Giang đang hướng tới mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030. Dù hiện nay chưa có thuốc điều trị triệt để tình trạng mang virus ở người nhiễm HIV, chưa có vaccine phòng ngừa, nhưng có thể dự phòng sự lây nhiễm HIV nếu tuân thủ đúng theo hướng dẫn của ngành y tế.

BS CKII Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tại An Giang, theo số liệu thống kê, số trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS, bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS ghi nhận được là cao so với số trung bình của các tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm đang có chiều hướng giảm, từ 293 trường hợp (năm 2015) xuống 193 trường hợp (9 tháng đầu năm 2019); số chuyển sang AIDS từ 224 trường hợp (năm 2015) giảm còn 62 trường hợp (9 tháng đầu năm 2019). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng; sự phối hợp cùng phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này của các ban, ngành, đoàn thể dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đem lại hiệu quả rất quan trọng trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó ngành y tế làm nồng cốt.

Công tác truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều bước chuyển đổi. Chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những nguy cơ bị lây truyền và không thể lây truyền HIV. Nhờ truyền thông, mọi người đã hiểu được nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Qua đó, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đã từng bước nâng lên, tạo sự cảm thông, chia sẻ, tiến tới xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Số người nhiễm HIV tiếp cận với điều trị tăng, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được tiếp cận với tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV... Nhiều gương người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội, cộng đồng được biểu dương, giúp chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tỉnh An Giang đạt được nhiều thành công; các số liệu về số trường hợp mắc mới hàng năm, số chuyển sang AIDS, số tử vong đều giảm, nhưng tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn còn; sự kỳ thị với căn bệnh này trong cộng đồng và việc tử vong do HIV/AIDS vẫn tiếp tục xảy ra, tác hại của căn bệnh này vẫn còn đeo bám đối với xã hội, người dân.  Để cùng cả nước thực hiện đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030, cần sớm tiến hành nhiều giải pháp một cách đồng bộ, mạnh mẽ với sự quyết tâm của cả cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, muốn có được hiệu quả cao và bền vững, tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh nhóm giải pháp về chính trị xã hội là then chốt, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS rất quan trọng, cần thiết để đạt mục tiêu “3 không” đã đề ra. Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng phòng, chống lây nhiễm HIV; đảm bảo mọi người được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.

HẠNH CHÂU