Khủng hoảng Ukraine kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực tại Mỹ Latinh

02/06/2022 - 07:53

Chương trình Lương thực Thế giới (WPF) mới đây đưa ra báo cáo, trong đó nhận định, Mỹ Latinh sẽ trải qua một trong những cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất từ trước đến nay dù trên thực tế khu vực này có đủ khả năng sản xuất thực phẩm cho toàn bộ dân số.

Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo, các chuyên gia của WPF cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Theo WPF, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga – quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ tư thế giới; cuộc xung đột tại Ukraine - nước sản xuất lúa mì thứ 7 thế giới; và quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của nhà sản xuất thứ ba thế giới là Ấn Độ đang kéo theo một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tình trạng này tác động mạnh tới khu vực Mỹ Latinh vốn đang trong tình trạng suy yếu về kinh tế do những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cùng với đó là lạm phát và thời tiết khắc nghiệt.

Báo cáo của WPF chỉ ra, hiện có khoảng 9,3 triệu người Mỹ Latinh đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Do hậu quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khoảng 13,3 triệu người khác có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giá cả các nguyên liệu đầu vào chủ chốt cho quá trình sản xuất lương thực tăng mạnh, chẳng hạn như nhiên liệu và phân bón đã tăng hơn 300% kể từ đầu năm đến nay. Điều này tác động mạnh tới các cường quốc sản xuất lương thực tại Mỹ Latinh như Argentina và Brazil, vốn phụ thuộc chủ yếu vào phân bón giá rẻ từ Nga và Belarus.

Cùng với đó, chi phí cao hơn và lượng thực phẩm sẵn có thấp hơn có tác động tiêu cực đến một số quốc gia nhập khẩu lương thực trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ở Caribe.

WPF nhấn mạnh, Mỹ Latinh không thiếu thực phẩm, tuy nhiên giá cả trở nên đắt đỏ hơn đối với đa số người dân, cùng với đó những người đang chịu cảnh nghèo đói hoặc nghèo đói cùng cực sẽ buộc phải chọn thực phẩm chất lượng thấp hơn. Ăn uống lành mạnh ở Mỹ Latinh và Caribe hiện có chi phí cao hơn so với ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Mặt khác, tổ chức này khẳng định Mỹ Latinh có vai trò không thể thay thế trong vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, trong đó khu vực này đáp ứng nhu cầu calo của khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới.

Theo Báo Tin Tức