Người dân, doanh nghiệp phấn khởi vì giá cao su tăng
Những ngày này, người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang phấn khởi thu hoạch mủ vì giá cao su đang tăng cao.
Hiện nay, giá mủ cao su nước từ 310-330 đồng/độ, giá mủ cao su đông từ 12.000-15.000 đồng/kg. Với mức giá thế này, người dân có lãi ổn định.
Giá cao su nước hiện có giá từ 310-330 đồng/độ. Ảnh: Kỳ Phú
Gia đình ông Lê Thành Chương (trú tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có 10 ha cao su. Ông Chương biết, những năm trước, giá cao su xuống thấp khiến đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thu không đủ chi.
Năm nay giá mủ tăng, nên gia đình ông tập trung huy động nhân công để thu hoạch mủ. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về gần 60 triệu đồng/tháng.
"Mặc dù giá mủ cao su hiện nay không thể so được với thời hoàng kim, nhưng so với các năm trước thì mức giá hiện nay đã là mơ ước của người dân trồng cao su. Tôi mong rằng giá mủ cao su ổn định hoặc tăng hơn 1 tí để cho gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống", ông Chương nói.
Giá mủ cao su năm nay tăng cũng mang lại niềm vui cho gia đình ông Thái Minh Tâm (trú tại xã Đăk Cấm, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
"Gia đình tôi có khoảng 3 ha cao su bắt đầu khai thác từ năm 2011. Năm nay gia đình tôi mới được hưởng niềm vui khi giá mủ cao su tăng. Với mức giá mủ đông từ 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 30 triệu đồng. Với thu nhập này thì của cuộc sống của người dân khá ổn định", anh Tâm chia sẻ.
Vụ thu hoạch cao su năm nay, người dân tỉnh Kon Tum năm nay phấn khởi vì giá cao su tăng sau nhiều năm giảm mạnh. Ảnh: Kỳ Phú
Không chỉ các hộ dân vui mừng mà các doanh nghiệp trồng và khai thác mủ cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng phấn khởi khi giá mủ cao su tăng.
Ông Ngô Văn Mân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết, công ty có khoảng 9.600 ha cao su, trong đó có khoảng hơn 7.300 ha đang cho thu hoạch, năng suất mủ đạt 1,8 tấn/ha. Giá mủ cao su thành phẩm năm nay đạt 38 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 8 triệu đồng so với năm ngoái.
"Với giá mủ cao như hiện nay công ty sẽ lãi cao từ đó ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên", ông Mân cho hay.
Giá cao su tăng nhưng không mở rộng diện tích trồng mới cao su
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum, tổng diện tích cao su trên toàn tỉnh là 76.233 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 64.800 ha, sản lượng ước đạt 14,6 tạ mủ khô/ha/năm.
Giá mủ cao tăng, các doanh nghiệp trong ngành cao su cũng phấn khởi vì lãi lớn, từ đó thu nhập của công nhân ổn định. Ảnh: Kỳ Phú
Ông Vũ Văn Đãn, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khuyến cáo, đối với các hộ nông dân, các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh không nên thấy giá cao su tăng cao mà chạy theo mở rộng diện tích và sử dụng biện pháp nhằm tận thu cạn kiệt lượng mủ trong cây cao su.
Điều này rất nguy hiểm vì sẽ làm phá vỡ quy hoạch trồng cao su của tỉnh và làm cây cao su phát triển kém, năng suất thấp
"Hiện nay, đơn vị cũng đang khuyến cáo người dân và doanh nghiệp tạm dừng không trồng mới cao su trong thời gian tới, không tái canh vườn cây hết tuổi khai thác ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cao su, những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, rét đậm, rét hại, sương muối", ông Đãn thông tin thêm.
Theo Dân Việt