Lương An Trà “về đích” xã nông thôn mới nâng cao

17/05/2024 - 06:05

 - Từng là “túi phèn” của vùng Tứ giác Long Xuyên khi xưa, xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nỗ lực đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2019. Không tự mãn với kết quả đạt được, địa phương bắt tay vào củng cố, nâng chất tiêu chí để được công nhận là xã NTM nâng cao năm 2023.

Đột phá vùng kinh tế mới

Nhắc đến Lương An Trà, trong tâm trí của những nông dân từng tham gia khai phá kinh tế mới năm xưa vẫn còn hình dung đó là vùng bị nhiễm phèn nặng, nước trong vắt, nhìn rõ cá bơi dưới đáy kênh nhưng không uống được. “Lúa sạ xuống, đang phát triển xanh tốt, nhưng dậy phèn lên là chết rụi.

Nhiều người không chịu nổi điều kiện kham khổ thời kinh tế mới nên bỏ xứ này đi nơi khác, chỉ nông dân kiên trì mới bám đất phát triển” - nông dân Nguyễn Lợi Đức (người gắn bó gần cả đời với vùng đất Lương An Trà, từng được biết đến với biệt danh “vua lúa” Sáu Đức) chia sẻ.

Từ tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công trình thoát lũ ra biển Tây, hệ thống thủy lợi đồng bộ đã giúp tháo chua, rửa phèn, giúp Lương An Trà vươn mình phát triển. Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn (trong diện tích tự nhiên 8.607ha của xã, đất nông nghiệp chiếm 7.500ha), lợi thế nông nghiệp nhanh chóng được địa phương phát huy. Hơn 2.100 hộ dân ở 5 ấp (Cà Na, Giồng Cát, Ninh Phước, Cây Gòn và Phú Lâm) dựa chủ yếu vào nông nghiệp để phát triển kinh tế, tích cực đồng hành cùng xã xây dựng NTM.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Trần Văn Cường cho biết, sau khi đạt chuẩn xã NTM năm 2019 (theo Quyết định 3261/QĐ-UBND, ngày 31/12/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã xác định xây dựng NTM nâng cao là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương; tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm hoàn thành đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra.

Xã Lương An Trà đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao

“Qua triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, chúng tôi đã tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức của người dân cùng chung tay xây dựng NTM. Hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể.

Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội xã phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, có sự đột phá bằng mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định” - ông Trần Văn Cường đánh giá.

Nâng cao đời sống người dân

Phát huy bản tính cần cù, chịu khó từ thời kinh tế mới, nông dân Lương An Trà thường xuyên học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh chủ lực cây lúa, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi 831ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu (750ha) và cây ăn trái (81ha).

Được hỗ trợ của ngành chuyên môn và địa phương, nông dân còn triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, như: Trồng na thái ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân sử dụng điện năng lượng mặt trời, diện tích 1ha tại ấp Phú Lâm; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây bưởi, xây dựng hoàn thiện hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 8.000m2... Đến nay, sản phẩm chanh không hạt của Hộ kinh doanh Nguyễn Minh Công (ấp Giồng Cát) đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Trần Văn Cường cho biết, hoạt động phát triển kinh tế tập thể luôn được xã quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn xã phát triển 2 hợp tác xã (Hợp tác xã Nông nghiệp Lương An Trà và Hợp tác xã An Phước Lộc); Tổ hội làm vườn trồng cây ăn trái ấp Phú Lâm, 21 thành viên; Tổ hợp tác chăn nuôi bò, 14 thành viên. Tổng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp mỗi năm từ 1.200 - 1.500ha.

Bên cạnh lợi thế nông nghiệp, trên địa bàn xã Lương An Trà còn có cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn. Đến nay, toàn xã có 17 công ty, xí nghiệp đang hoạt động, nổi bật là: Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc (chuyên về hoạt động tích trữ, xay xát lúa gạo), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hải Thuận An Giang (chuyên về chế biến bột cá), Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú (xay xát lúa gạo), Trại sản xuất giống Lương An Trà (chuyên cung cấp giống lúa chất lượng)...

Qua nỗ lực xây dựng NTM nâng cao, 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã, đường dân sinh, đường trục chính nội đồng đều đạt chuẩn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt 100%. Kinh tế phát triển giúp kéo giảm hộ nghèo, đời sống người dân nâng lên.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 2,4% (giảm 4,3% so năm 2020), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 21 triệu đồng), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,1% (tăng 38,7%), tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,9% (tăng 21,8%), tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 95,2% (tăng 2,2%), 99,5% hộ sử dụng điện trực tiếp, an toàn (tăng 0,5%), có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia...

Qua đó, giúp xã đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023.

Trong 4 năm qua, xã Lương An Trà huy động nguồn lực hơn 36,8 tỷ đồng xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 35,5%, ngân sách tỉnh chiếm 25,9%, ngân sách huyện 15,4%, ngân sách xã 2,5%, vốn doanh nghiệp 4,9%, vốn tín dụng 11,4%, Nhân dân đóng góp chiếm 4,4%

 

NGÔ CHUẨN