Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành

30/12/2019 - 07:42

 - UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các sở, ngành và địa phương để hoàn thiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (District and department competitiveness index - DDCI) để chuẩn bị triển khai. DDCI dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào đối với chính quyền (cụ thể là chính quyền cấp huyện và sở, ngành) hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế cấp tỉnh và huyện.

Hội thảo tham vấn ý kiến các sở, ngành và địa phương để hoàn thiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI)

DDCI lần đầu tiên được triển khai vào năm 2013 bởi Công ty Cổ phần Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica) và UBND tỉnh Lào Cai. Lần đầu tiên, bộ khung chỉ số về đánh giá các lĩnh vực quản lý và điều hành kinh tế ở cấp địa phương được thực hiện. Tại Lào Cai, DDCI đã được triển khai liên tục trong các năm qua và trở thành công cụ quan trọng cho công tác điều hành của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. DDCI tiếp tục được các tỉnh lựa chọn thực hiện, như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai… DDCI tiếp tục chứng minh là một công cụ hiệu quả nhằm cải thiện năng lực quản lý và điều hành kinh tế tại các tỉnh. Ví dụ, tại Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Tháp, DDCI đã góp phần cải thiện thứ hạng và củng cố vị trí xếp hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số PCI những năm qua. Đặc biệt, DDCI đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của các tỉnh, nhằm thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Giám đốc Economica Việt Nam Lê Duy Bình cho biết, chỉ số DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành - nơi có quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh. Các nguyên tắc điều hành kinh tế áp dụng trong DDCI, như: việc thực thi chính sách và quy định pháp luật với tinh thần vì DN; chất lượng dịch vụ công liên tục được cải thiện; minh bạch thông tin và đối xử công bằng với DN; lãnh đạo chính quyền năng động, tiên phong, lắng nghe và hành động vì DN; đối thoại thường xuyên có trách nhiệm với DN và đề cao trách nhiệm giải trình; gia nhập thị trường dễ dàng, thuận tiện với chi phí thấp; dễ dàng và minh bạch trong tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; hiệu quả trong hoạt động cấp phép và thanh kiểm tra; thủ tục thuế đơn giản, thuận lợi, minh bạch và công bằng; thủ tục hành chính được cải thiện mạnh mẽ; chi phí không chính thức được đẩy lùi; các nội dung phát triển bao trùm, xã hội và bình đẳng giới được quan tâm; môi trường, sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử được chú trọng trong điều hành…

Phó Giám đốc Economica Việt Nam Phạm Tiến Dũng (chuyên gia kinh tế và phân tích chính sách) cho biết, đối với năng lực điều hành của chính quyền cấp huyện (11 huyện, thị xã, thành phố) được đề xuất đánh giá theo 10 chỉ số thành phần cốt lõi (chi phí gia nhập thị trường, khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh, hiệu quả trong cấp phép và thanh kiểm tra, hiệu quả của thủ tục thuế, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo huyện, hiệu quả đối thoại và trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin và đối xử công bằng, hiệu quả cải cách hành chính, hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh, chi phí không chính thức). Đối với cấp sở, ngành (22 sở, ngành) được đề xuất đánh giá theo 5 chỉ số thành phần cốt lõi, gồm: hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; chất lượng dịch vụ công; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; tính năng động và trách nhiệm giải trình của lãnh đạo sở, ngành; chi phí không chính thức.

Theo đó, bộ chỉ số DDCI nhằm hướng tới các mục tiêu: xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền địa phương với cộng đồng DN; cung cấp công cụ hiệu quả để đánh giá, qua đó đưa ra định hướng chỉ đạo để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp huyện và sở, ngành; xác định được những điển hình để nhân rộng trong quá trình triển khai; cải thiện hiệu quả các đơn vị, nhận diện rõ những điểm mạnh cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục trong điều hành kinh tế…     

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tiếp nhận các ý kiến của các sở, ngành, địa phương để sớm hoàn thiện bộ chỉ số. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố triển khai nội dung bộ chỉ số DDCI rộng rãi trong đơn vị, địa phương để thực hiện tốt việc đánh giá vào đầu năm 2020, phấn đấu quý I-2021 sẽ công bố kết quả của năm 2020.

* Việc thực hiện qua các bước: điều chỉnh phương pháp luận DDCI, phiếu điều tra, chọn mẫu; điều tra đối với DN, cơ sở kinh tế, hộ kinh doanh; phân tích số liệu, xếp hạng, báo cáo, xây dựng cổng thông tin dữ liệu; công bố kết quả DDCI, sử dụng kết quả cho công tác quản lý, điều hành kinh tế tại tỉnh.

 * “DDCI là “chiếc gương” phản chiếu chính xác cảm nhận của cộng đồng DN, doanh nhân về các mặt quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền các cấp. DDCI là “nhiệt kế” đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh cấp huyện và tỉnh” - ông Lê Duy Bình chia sẻ.

 

HỮU HUYNH