Nâng chất “Cà phê khuyến nông”

25/12/2020 - 06:28

 - Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông An Giang, giai đoạn 2018-2020, đã có 33 quán “Cà phê khuyến nông” ra đời, phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là nơi thu hút đông đảo nông dân tham gia, là địa chỉ gần gũi để nông dân trao đổi kinh nghiệm, học tập kỹ thuật canh tác, kết nối thị trường tiêu thụ...

Nông dân nghiên cứu sách, báo tại quán “Cà phê khuyến nông” ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên)

Đáp ứng nhu cầu nông dân

Sẵn có quán nước tại nhà, ngày 21-10-2018, gia đình ông Nguyễn Ngọc Chẩn (tổ 33, ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, Châu Thành) được Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ phát triển thành quán “Cà phê khuyến nông”. Đây là mô hình thuộc Dự án truyền thông công tác khuyến nông phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang (giai đoạn 2018-2020). Quán ông Chẩn được hỗ trợ treo bảng hiệu, trang trí đẹp hơn, được đầu tư kệ đựng sách, báo, tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, nuôi thủy sản...

“Trước đây, nông dân sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý khi xuất hiện dịch bệnh, thay đổi thời tiết. Từ khi có quán “Cà phê khuyến nông”, được chia sẻ thông tin và tiếp cận những tài liệu chính thống, nông dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả hơn” - ông Chẩn bộc bạch.

Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Dũng chuyển đổi 3ha đất trồng lúa sang trồng cam, đạt sản lượng 10 tấn trong đợt thu hoạch đầu tiên; nông dân Phạm Ngọc Lu phát triển 50m2 trồng nấm trên trụ, cho thu nhập 5 triệu đồng/tháng…

Đối với quán “Cà phê khuyến nông” của anh Lê Long Hồ (ấp Hòa Trung, xã Kiến An, Chợ Mới), được xem là điểm hẹn của nông dân vùng chuyên canh rau màu. “Tài liệu khá phong phú, được cung cấp kịp thời, giúp nông dân có kênh thông tin để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác rau màu. Mong muốn của chúng tôi là có thêm tài liệu kỹ thuật mới về chăn nuôi để phát triển lĩnh vực này ở địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia để liên kết tiêu thụ rau màu bởi lâu nay, sản phẩm chủ yếu bán đại trà cho thương lái” - anh Hồ mong muốn.

Ở ấp Tô Trung (xã Núi Tô, Tri Tôn), quán “Cà phê khuyến nông” của anh Chau Tóc trở thành điểm sinh hoạt, gặp gỡ thường xuyên của nông dân Khmer trong vùng. “Bà con đến đây uống nước, trao đổi kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình làm ăn mới rất vui vẻ. Chỉ có bất tiện là tài liệu toàn tiếng Việt, trong khi nhiều nông dân Khmer không đọc được tiếng Việt nên phải có người đọc, phiên dịch cho bà con hiểu. Nếu được cung cấp thêm tài liệu tiếng Khmer thì hay quá” - anh Chau Tóc đề xuất. Trong khi đó, ở xã nông thôn mới Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc), quán “Cà phê khuyến nông” của anh Phan Thanh Tùng là địa chỉ quen thuộc của nông dân trong xã…

Chú trọng tính hiệu quả

Mô hình quán “Cà phê khuyến nông” là một trong những nội dung quan trọng của Dự án truyền thông công tác khuyến nông phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang (giai đoạn 2018-2020), đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Nguyễn Hoàng Linh cho biết, đến nay, đơn vị đã hỗ trợ phát triển được 33 quán “Cà phê khuyến nông”, phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Các quán được đặt ở vị trí thuận tiện, khuôn viên quán có diện tích tương đối rộng, đủ tổ chức 1 cuộc hội thảo với quy mô tối thiểu 30 người. Trung tâm hỗ trợ thường xuyên các đầu báo, tạp chí, tài liệu, được phát hành đến tận các quán “Cà phê khuyến nông” qua đường bưu điện, như: Báo An Giang, Khoa học phổ thông, Bóng đá chủ nhật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh thứ bảy, Tuổi Trẻ chủ nhật, bản tin “Khuyến nông và thị trường”… Đồng thời, xây dựng hộp thư tư vấn kỹ thuật để giải đáp cho nông dân. Mỗi quán đều được bố trí cán bộ khuyến nông theo dõi, hỗ trợ.

Giai đoạn 2018-2020, bình quân mỗi quán “Cà phê khuyến nông” đạt 40-50 lượt khách đến/ngày. Vào mùa vụ tập trung, có thể lên trên 100 lượt/ngày, trong đó 80% là nông dân. “Mô hình quán “Cà phê khuyến nông” phù hợp với thói quen của nhà nông, đóng góp vào phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây là phương pháp khuyến nông mới, thiết thực, có hiệu quả, được đông đảo bà con nông dân An Giang hưởng ứng. Quán tạo môi trường tốt cho việc học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hình thức sinh hoạt nhóm nông dân. Mô hình này cần được duy trì, nhân rộng thêm, đồng thời tăng nguồn kinh phí cho báo chí và các ấn bản khuyến nông” - ông Linh nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2021, trên cơ sở tổng kết Dự án truyền thông công tác khuyến nông phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang (giai đoạn 2018-2020), đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt triển khai giai đoạn tiếp theo. Trong định hướng phát triển, có thể kết hợp các mô hình “Cà phê khuyến nông” với “Hội quán nông dân” nhằm tập hợp đông đảo nông dân gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời kết nối doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cho nông dân.

 

NGÔ CHUẨN