Nâng tầm lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên

14/02/2022 - 04:13

 - Kiên Giang và An Giang là 2 địa phương dẫn đầu về diện tích, sản lượng lúa của cả nước, cũng là 2 tỉnh trọng điểm của vùng Tứ giác Long Xuyên. Khi xây dựng nơi đây thành mô hình kiểu mẫu về liên kết lúa gạo, sẽ tạo động lực xây dựng thương hiệu mạnh cho hạt gạo Việt Nam.

Niềm vui nhân đôi

Thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, An Giang vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đến dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn). Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá, Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất Châu Á, có diện tích 161.000m2, vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ Châu Âu. Công suất sấy của nhà máy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày; với hệ thống 80 silo chứa lúa, đạt năng lực chứa 240.000 tấn; công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.

UBND tỉnh An Giang hợp tác với Tập đoàn Tân Long về xây dựng vùng liên kết lúa gạo

Ngay sau Tết, thực hiện cam kết với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và Tập đoàn Tân Long đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, việc hợp tác tập trung vào xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững, đồng thời phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn. Tập đoàn Tân Long sẽ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, THT nông nghiệp tại tỉnh An Giang trên diện tích canh tác tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2022 đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 100.000 tấn/vụ.

Đối với Tập đoàn Tân Long, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch liên kết cụ thể hàng năm với diện tích, giống lúa và địa điểm sản xuất trên cơ sở phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN); xây dựng vùng liên kết kiểu mẫu quy mô thích hợp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Tập đoàn tổ chức sản xuất quy mô lớn trên cơ sở thành lập mới 50 HTX và 200 THT nông nghiệp (hoặc liên kết với các HTX, THT hiện có) tại địa bàn trọng điểm gần nhà máy (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn…) để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Tập đoàn cũng phối hợp cùng các sở, ngành để phát triển các HTX và THT mà DN có liên kết trên cơ sở tham gia góp vốn hoặc cử nhân sự tham gia hỗ trợ hoạt động kinh doanh của HTX.

Trong thỏa thuận hợp tác với tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, THT nông nghiệp, dự kiến năm 2022 đạt 10.000ha (khoảng 70.000 tấn), đến năm 2025 đạt 30.000ha (sản lượng dự kiến 150.000 tấn).

Đánh thức tiềm năng

Với lợi thế tối ưu về công nghệ, Nhà máy gạo Hạnh Phúc sẽ giải quyết hiệu quả khâu quan trọng nhất sau thu hoạch là vận chuyển kịp thời lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy, hệ thống silo sẽ sấy trữ trong “thời gian vàng”, giúp đảm bảo hương vị và chất lượng lúa gạo. Từ đó giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm. Đây là cơ sở quan trọng để nâng chất lượng và giá trị hạt gạo vùng Tứ giác Long Xuyên, tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ĐBSCL có lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, tỉnh Kiên Giang và An Giang luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo (Kiên Giang đạt 4,3 triệu tấn lúa/năm; An Giang khoảng 4 triệu tấn/năm), đóng góp quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam. Riêng An Giang, sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm trên 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 triệu USD.

Ông Thư cho biết, để tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo trong thời gian tới, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, nâng cao chất lượng giống lúa, tỉnh đã xác định tầm quan trọng của công tác mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.

“Với việc Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á tại An Giang, sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững của tỉnh An Giang và Kiên Giang, đóng góp quan trọng vào mục tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới” - ông Thư nhấn mạnh.

“UBND tỉnh An Giang cam kết đồng hành cùng DN, cụ thể thông qua việc quy hoạch lại vùng sản xuất lúa gạo tập trung và hình thành các HTX nông nghiệp hiện đại theo nhu cầu của DN; từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần đưa nền sản xuất lúa gạo phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định.

NGÔ CHUẨN