Ngành nông nghiệp An Giang hội nhập kinh tế quốc tế

17/12/2021 - 06:14

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đã tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa, tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa và hội nhập quốc tế.

Hình thành mã số vùng trồng xoài hướng đến xuất khẩu

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (huyện Chợ Mới)

Đến nay, tỉnh đã hình thành 147 mã số vùng trồng, gồm 136 mã số xoài với diện tích 6.714ha (chiếm 37% tổng diện tích cây ăn trái), 7 mã số chuối với diện tích 446ha (huyện Tri Tôn), 4 mã số mít với diện tích 86ha (TP. Châu Đốc, huyện Chợ Mới, TX. Tân Châu) và 20 mã số cho các cơ sở đóng gói. Đã chứng nhận vùng và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2 DN nuôi trồng thủy sản với diện tích 254ha: Vùng ương giống tập trung Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc (104ha); vùng ương giống tập trung Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (150ha); góp phần đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu quy mô lớn, định hướng xuất khẩu bền vững cho các DN.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngành nông nghiệp còn tích cực tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, công tác khuyến nông, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cập nhật và thông tin sản lượng, thời vụ thu hoạch các loại nông sản kết nối tiêu thụ với các DN xuất khẩu. Chủ động tìm hiểu nhu cầu thu mua lúa, nếp, nông sản của các DN để kết nối trực tiếp với các hợp tác xã nông nghiệp.

Việc áp dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN là xu thế tất yếu quá trình hội nhập. Hòa vào xu thế đó, Sở NN&PTNT phối hợp Viettel, Bưu điện An Giang đưa lên sàn thương mại điện tử (voso.vn và postmart.vn) cho khoảng 226 hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã (HTX). Qua đó, giúp DN giảm chi phí thương mại, nhanh chóng tiếp cận thị trường nội địa, tham gia vào thương mại quốc tế thuận lợi.

Điểm nổi bật, ngành nông nghiệp luôn quan tâm phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang. Tạo điều kiện để DN thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân hoặc thông qua các HTX, tổ hợp tác để tăng dần tỷ lệ sản xuất theo hợp đồng bền vững, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Trong lĩnh vực lúa - nếp có 37 DN đã liên kết thông qua 47 HTX nông nghiệp và 237 tổ hợp tác với diện tích 82.739ha. Lĩnh vực rau màu hình thành 9 chuỗi liên kết với diện tích 5.754ha. Lĩnh vực trái cây hình thành 9 chuỗi liên kết với diện tích 779ha. Lĩnh vực chăn nuôi hình thành chuỗi liên kết nuôi gia công 8.340 heo thịt, 100.000 gà thịt và 90.000 vịt thịt với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Lĩnh vực thủy sản hình thành vùng nuôi 1.049ha do DN và hộ nuôi liên kết, chiếm 85% diện tích nuôi cá tra thương phẩm.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đơn vị chủ động phối hợp mời gọi các DN đầu tư, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từng bước hình thành một số DN nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu, như: Công ty Cổ phần trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao An Giang (thuộc Tập đoàn TH) đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Tri Tôn với quy mô 175ha, tổng đàn bò 10.000 con, tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng. Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải (thuộc Tập đoàn Thaco) đề xuất đầu tư dự án Trại heo nái-heo thịt công nghệ cao tại An Giang với diện tích 147ha, giá trị dự án 2.600 tỷ đồng.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có nhiều kết quả tích cực: Đến cuối tháng 9-2021, toàn tỉnh có 51 sản phẩm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên (2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao, 38 sản phẩm đạt 3 sao). Tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đặc biệt, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, ngành nông nghiệp An Giang đã chủ động trong điều hành sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thành công. Nổi bật là thành lập tổ phản ứng nhanh ngành nông nghiệp, triển khai rộng khắp đến cấp huyện, xã, kịp thời cập nhật, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn thường xuyên tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do, Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam có quy định liên quan đến công ước, hiệu lực của các Hiệp định thương mại tự do, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người dân và DN tiếp cận, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế.

Phát huy kết quả đó, tỉnh An Giang tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại. Tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU