Nghề “xoay chậu” tất bật vụ Tết

12/01/2021 - 06:27

 - Khi những người chơi kiểng, bon-sai háo hức chăm sóc sản phẩm nghệ thuật của mình để ra mắt mỗi độ Tết đến, xuân về thì nghề đúc chậu hay còn gọi là nghề “xoay chậu” cũng rục rịch vào vụ mùa. Để làm ra một sản phẩm đẹp, bền, chinh phục được thị hiếu của khách hàng, đòi hỏi người thợ “xoay chậu” phải có đôi tay khéo léo và tính thẩm mỹ cao.

Người làm nghề xoay chậu đang tất bật vào vụ

Có thấy mới biết rằng, nghề “xoay chậu” không hề đơn giản như nhiều người vẫn thường suy nghĩ. Trong những ngày này, có dịp về thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) sẽ cảm nhận hết cái không khí tất bật chuẩn bị Tết của những người thợ “xoay chậu” nơi đây. Đưa đôi bàn tay thoăn thoắt xoay quanh cái chậu đang từng bước định hình, chú Bùi Trung Tín (ngụ ấp Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập) cho biết: “Tôi theo nghề đúc chậu này đã được mấy chục năm. Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, thu nhập không ổn định, thấy nghề “xoay chậu” kiểng này cũng hay, nên học nghề rồi xin về đây làm cho gần nhà, cuộc sống từ đó đỡ bấp bênh. Chậu ở đây chủ yếu bán cho các nhà vườn trồng cây mai, cây kiểng và các loại bon-sai. Một ngày, tôi xoay được 20 cái chậu, nhưng phải 2 ngày mới cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhờ công việc đúc chậu này, gia đình tôi bớt khó khăn hơn trước rất nhiều. Tuy nghề đúc chậu làm liên tục trong năm, nhưng Tết là mùa làm ăn sôi nổi nhất. Làm nghề này, tiền công được tính dựa trên sản phẩm”.

Chậu kiểng được làm với các nguyên vật liệu chính là cát, xi-măng... và để ra một sản phẩm hoàn thiện cũng lắm công phu. Để đúc chậu, đầu tiên, người thợ phải ốp cát thành bầu định hình sẵn kích thước. Sau đó, trộn cát và xi-măng với tỷ lệ nước vừa phải để đổ lên bầu cát, đến khi hồ ráo mặt tiếp tục trộn hồ dầu đổ, quay theo hình chậu. Với các bước và quy trình như vậy xem như đã cơ bản hoàn thành một cái chậu kiểng. Nhưng, phải đợi ngày hôm sau mới lấy chậu ra khỏi bầu cát được. Cuối cùng, sẽ cắt miệng chậu, mài cho mịn và sơn màu lên để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Đối với việc pha màu khi tráng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và rất tỉ mỉ trong công việc để làm sao cho màu sắc của chậu bền đẹp, không bị phai và nước sơn không bị tróc. chậu kiểng được bán dựa vào đường kính, chậu nhỏ nhất có giá bán từ 40.000 đồng, chậu lớn với giá vài trăm ngàn đồng.

Với sự cần cù và tỉ mỉ, những chiếc chậu thành phẩm do người thợ làm ra vừa bền chắc lại có tính thẩm mỹ cao. Giọt mồ hôi ướt đẫm thi nhau rớt trên vai, đưa đôi bàn tay thô ráp xoa nhẹ mép chậu, chú Tín liên tục xoay chuyển đổ bê-tông làm thành chậu. Theo chú Tín, đây là một trong những chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng, nước xi-măng giúp mặt chậu thành phẩm mịn và đẹp hơn. Do vậy, người làm chậu phải có tay nghề và sự kiên trì, nhẫn nại cho dù làm chậu khuôn hay bằng tay, cách pha tráng màu phải chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không bị tróc, ố.

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày cuối năm, chợt nghĩ, các khóm hoa xanh, đỏ, tím, vàng hay những chậu bon-sai độc đáo sẽ được tôn thêm sự rực rỡ nhờ những chiếc chậu được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người đúc chậu. Dẫu chỉ là vật phụ trợ thêm cho cây cảnh, hoa lá nhưng nếu không có chiếc áo mới của cái chậu thì hoa kiểng cũng “kém sang” hơn đôi ba phần. Nhờ nghề này đã giúp cho các nhà vườn và những người theo nghề “xoay chậu” có cuộc sống ổn định.

Nghề “xoay chậu” kiểng nhìn có vẻ giống như nghề xây dựng đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo. Một người thợ muốn cho ra được sản phẩm hoàn hảo phải có tính kiên nhẫn và lòng đam mê với nghề. Ánh mắt chăm chú nhìn vào từng họa tiết, hoa văn để phối màu cho chiếc chậu vừa đúc xong, chú Bùi Trung Tín chia sẻ thêm: “Nghề đúc chậu này, nhìn vậy chứ phải có niềm đam mê mới làm được. Để làm ra một cái chậu đều đặn đã khó, việc phải nghĩ thêm nhưng hình ảnh, họa tiết hoa văn để trang trí thêm cho cái chậu bắt mắt càng khó hơn. Bây giờ, người ta ít chọn chậu có họa tiết cầu kỳ, chậu càng đơn giản càng dễ bán, giá phải chăng, vừa túi tiền”. Những chiếc chậu thành phẩm được xếp thành hàng với những hoa văn khác nhau đang chờ được giao tận tay khách hàng trông đơn giản vậy chứ cũng mất nhiều công sức của người thợ “xoay chậu”.

Nghề làm chậu rất cần sự tinh tế và sáng tạo, sản phẩm làm ra phải đạt được chất lượng bền thì khách hàng mới tìm đến nhiều năm tiếp theo. Chỉ vậy thôi, mỗi mùa vụ Tết, người thợ “xoay chậu” lại tất bật hơn so với thường nhật. Dẫu có hơi vất vả hơn nhưng với họ, có bận rộn luôn tay luôn chân thì mới có cái Tết ấm no.

PHƯƠNG LAN