Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Thoại Sơn

13/08/2018 - 07:44

 - Thời gian gần đây, nhiều mô hình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng của nông dân (ND) Thoại Sơn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điển hình như mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái của ND Hồ Văn Em (ấp Hòa Phú, xã Định Thành) sau thời gian 2 năm chuyển đổi từ việc canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm Thái đã mang lại thu nhập ổn định, kinh tế gia đình của ông Em khấm khá hơn trước. Ông Hồ Văn Em cho biết, trước đây gia đình ông trồng lúa, nhưng do giá lúa không ổn định, sản lượng thu hoạch không cao nên ông mong muốn tìm mô hình mới để chuyển đổi. Có dịp đi tham quan các vườn cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre, nhận thấy mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái phù hợp với thổ nhưỡng và có hiệu quả kinh tế cao, được bạn bè cung cấp giống có chất lượng. Vì vậy, ông Em đã mạnh dạn chuyển đổi 17 công đất trồng lúa sang trồng 1.300 gốc mãng cầu xiêm Thái. Sau 1 năm chăm sóc, vườn mãng cầu xiêm Thái của ông Em cho thu hoạch trái. Với giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg, cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so trước đây.

Trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái

Cũng giống như mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái của ND Hồ Văn Em, sau gần 6 năm đầu tư gần 1 tỷ đồng và công chăm sóc, với 3ha trên 1.000 gốc dừa của ND Bùi Trung Ơn (xã Vĩnh Khánh) giờ đây đã cho trái, hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Theo ước tính của ông Ơn, với 1.000 gốc dừa, mỗi ngày bán khoảng 500 trái, mỗi trái giá từ 8.000 - 12.000 đồng, tùy từng thời điểm thị trường, thu nhập 500.000 đồng/ngày, mỗi năm một cây dừa cho thu hoạch khoảng 100 - 150 trái, bán cho các quán nước, chợ và người dân xung quanh đến mua. Ông Ơn chia sẻ: “Cây dừa xiêm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, ít rủi ro so với nhiều loại cây trồng khác, chủ yếu là phòng trị đuông và bọ cánh cứng kịp thời. Mùa khô phải cung cấp đủ nước cho dừa phát triển, trái to. Khoảng 3 năm là dừa có trái, năm thứ 4 trở lên, dừa cho trái nhiều và quanh năm. Trời nắng thì bẻ dừa tươi bán nước, trời mưa thì để bán dừa khô, không sợ không có thị trường tiêu thụ…”.

Chuyện làm nông kết hợp phát triển du lịch sinh thái không còn là khái niệm xa lạ đối với ND ngày nay, từ ao cá đến những vườn trồng đủ các loại cây ăn trái… Bằng cách phát triển vườn cây ăn trái, vừa phục vụ tại chỗ cho du khách, bày bán cho người đi đường; vừa đưa đi tiêu thụ ở các chợ, ND có thu nhập khá ổn định. Gia đình bà Lê Thị Trường Giang (ấp Tân Phú, xã Mỹ Phú Đông) đã trồng 2ha quýt, cam xen canh dừa, mãng cầu, mận và bưởi. Vườn cây của gia đình bà Giang trồng được hơn 2 năm, đến nay các loại cây đã cho trái và gia đình từng bước kết hợp cho khách tham quan. Bà Giang cho biết, đến tham quan vườn cây ăn trái, du khách có thể bơi xuồng ngắm cảnh, câu cá, hái trái cây ăn tại vườn, hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác làm ND. Ngoài ra, có thể mua về làm quà biếu cho người thân. Nhờ trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái khác nhau nên có thể tranh thủ thu hút được khách tham quan vườn quanh năm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình bà tăng lên rất nhiều…

Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thoại Sơn Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, phong trào chuyển đổi sang vườn cây ăn trái đang được ND trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ với vài công đất vườn hoặc đất ruộng cải tạo, các hộ ND đã có thu nhập ổn định quanh năm. Tính ra, giá trị vườn cây ăn trái cao gấp nhiều lần đất ruộng cùng diện tích… Đến nay, huyện Thoại Sơn đã chuyển đổi được 370ha cây ăn trái các loại. Thời gian qua, các cấp hội đã đẩy mạnh thực hiện 3 phong trào trọng tâm của hội, đặc biệt là phong trào ND thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Ngoài ra, Hội ND các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi để giúp các hộ ND phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

TRỌNG TÍN - KIM CƯƠNG