Nông dân cần vốn để sản xuất
Những năm gần đây, ND ở huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên không ngừng cải tạo vườn đồi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác... Từ đó, nhiều ND phát triển được kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Dù vậy, trong quá trình canh tác, ND gặp khó khăn về chi phí SX, mua sắm thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp...
Gia đình ông Lê Văn Chiến (ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên) canh tác trên 10ha xoài cát Hòa Lộc. Thời điểm này, gia đình anh bắt đầu xử lý xoài ra hoa để chuẩn bị vụ xoài Tết. Vụ xoài sớm vừa rồi, do ảnh hưởng của mưa bão, nên xoài nhà ông Chiến không thể ra hoa, thiệt hại rất lớn. Vụ này là vụ chính trong năm nên gia đình ông Chiến rất mong đợi vụ mùa thắng lợi.
“Chi phí để xử lý ra hoa, tạo trái, phun xịt thuốc bảo vệ thực cho vụ này khoảng 7 triệu đồng/ha. Do không đủ chi phí để trang trải nên tôi phải mua thiếu phân bón tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp” - ông Chiến cho hay.
Tương tự, ông Bùi Văn Quí, Tổ hợp tác (THT) trồng xoài bến Bà Chi (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, Tri Tôn) cho biết, THT hiện có 30 thành viên, canh tác trên diện tích 78ha. Trong quá trình canh tác, các thành viên trong HTX thường xuyên gặp khó khăn về vốn để mua vật tư nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, như: hệ thống bơm nước, tưới tiêu... “Chúng tôi khó tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ từ các ngành chức năng. Nếu khó khăn, chỉ biết “vay nóng” bên ngoài” - ông Quí chia sẻ.
Việc đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật đòi hỏi nhiều chi phí
Khó tiếp cận nguồn vốn vay
Hiện nay, ND được hỗ trợ chủ yếu từ nguồn quỹ “Hỗ trợ ND” và vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Các nguồn vốn vay này có lãi suất thấp, giá trị cho vay từ 20-50 triệu đồng, thời hạn vay vốn 1 năm. Với nguồn vốn vay từ quỹ “Hỗ trợ ND”, bà con không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có phương án SX khả thi hoặc tham gia vào các mô hình SX tập thể.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ vay vốn này còn thấp đối với những hộ có diện tích đất canh tác lớn. Kế đến là thời gian cho vay ngắn nên nhiều gia đình khi nhận đồng vốn về, vừa mới cải tạo vườn, chăm sóc cây giống, chưa thu hoạch được gì thì đã đến kỳ hạn trả nợ. Ngoài ra, thủ tục để nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn này khá rườm rà, thời gian xét cho vay lâu... trong khi nhu cầu của ND là rất cấp bách, do đó ND chỉ biết vay ở bên ngoài với lãi suất cao.
Mặt khác, ND tiếp cận vay vốn từ các ngân hàng đang gặp một số vướng mắc, khó khăn khi làm thủ tục, hồ sơ vay vốn phải nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đây là rào cản lớn nhất khi tiếp cận vốn vay.
“Để được vay vốn, ngân hàng yêu cầu ND phải thế chấp bằng GCNQSDĐ. Tuy nhiên, hầu hết đất nông nghiệp ở đây chủ yếu sử dụng sổ xanh (đất do Kiểm lâm cấp để quản lý, khai thác và trồng rừng có thời hạn) nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không thể vay được vốn. Hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng có những biện pháp hỗ trợ để ND có thể tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để chúng tôi có điều kiện vượt qua khó khăn” - ông Trần Văn Xe (ND trồng xoài xã An Hảo, Tịnh Biên) chia sẻ.
Để nhà nông được hưởng lợi từ chính sách tín dụng, rất cần sự chung tay tháo gỡ những “nút thắt” của chính quyền địa phương. Có như vậy, việc tái cơ cấu nông nghiệp của từng địa phương mới có thể phát triển, những ý tưởng làm giàu của ND phát huy tối đa giá trị vốn có.
Bài ảnh: ĐÌNH ĐỨC