Nhận thấy những thuận lợi từ nghề trồng nấm, năm 2020, chị Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh) quyết tâm phát triển mô hình. Ban đầu, gia đình đầu tư 1 trại nhỏ. Do còn thiếu kinh nghiệm nên nấm trồng bị bệnh, hư hỏng nhiều. Không nản chí, chị Nương học hỏi thêm kỹ thuật trồng nấm; tham khảo thêm từ sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng và các chuyên gia. Nhờ những kiến thực được tiếp thu, cộng với sự quyết tâm, nên việc canh tác nấm được thuận lợi, năng suất tăng qua mỗi vụ.
Đến năm 2021, chị Nương mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà trồng nấm trên 15.000m2. Với diện tích trên, chị Nương trồng các loại nấm mối, nấm Linh chi, nấm bào ngư. “Trại nấm của gia đình đã xây dựng được 3 năm, sản xuất sạch, nên nhiều nơi nhập trực tiếp về bán. Mỗi tháng, trại nấm xuất ra thị trường từ 2 - 3 tấn. Giá bán dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg (nấm dược liệu); từ 40.000 - 250.000 đồng/kg (nấm ăn). Mỗi năm, gia đình tôi thu về 800 - 900 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng” - chị Nương chia sẻ.
Tại xã Châu Lăng, nhờ nuôi ba ba mà gia đình chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng có được thu nhập ổn định. Chị Hồng cho biết, nghề nuôi ba ba của gia đình hình thành và phát triển từ 20 năm trước. Sau khi lập gia đình, chị Hồng tiếp tục gắn bó với loài vật nuôi này. Trong quá trình chăn nuôi, chị Hồng được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham quan; tập huấn, hội thảo ứng dụng khoa học - kỹ thuật... nên ngày càng thuận lợi. Chị Hồng cho hay: “Hiện nay, thu nhập từ việc chăn nuôi ba ba của tôi là 440 triệu đồng/mỗi năm. Cùng với đó, gia đình tôi còn kinh doanh thiết bị điện gia dụng để tăng thu nhập. Tổng thu nhập bình quân là 840 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận trên 370 triệu đồng”.
Nông dân Tri Tôn mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Gia đình ông Bùi Xuân Điện (xã Ô Lâm) thì lựa chọn cây ăn trái kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Với 11ha đất triền núi, ông Điện trồng xoài và quýt đường. Nhờ tính cần cù, siêng năng, ham học cùng với nỗ lực bản thân, ông Điện mang về thu nhập cho gia đình khoảng 760 triệu đồng/năm từ 2 loại cây trồng trên. Trừ đi chi phí nông nghiệp, thuê nhân công, vận chuyển nông sản, ông Điện thu về lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm. “Ngoài việc trồng xoài và quýt, tôi còn nuôi dê, nhằm tận dụng nguồn thức ăn trên diện tích cây ăn trái. Dê được chăm sóc kỹ, phát triển tốt, ít có bệnh nên hiệu quả kinh tế mang lại khả quan… Mỗi năm, từ việc bán dê thịt và con giống đem về thu nhập cho gia đình tôi từ 150 - 200 triệu đồng” - ông Điện thông tin.
Có thể thấy, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã tác động đến tư duy, nhận thức của của nông dân. Theo Hội Nông dân huyện Tri Tôn, giai đoạn 2022 - 2024, toàn huyện có trên 6.500 lượt nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 739 nông dân giỏi cấp tỉnh, gần 1.900 nông dân giỏi cấp huyện; nông dân giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm tỷ lệ 41,95%. Tổng doanh thu của lực lượng nông dân giỏi giai đoạn này trên 4.640 tỷ đồng. Đồng thời, đóng góp trên 20,1 tỷ đồng, trên 121.740 ngày công lao động để xây dựng nông thôn…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Nguyễn Hoài An cho biết, phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã khích lệ, động viên hàng ngàn nông dân phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh. Qua đó, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp ở nông thôn, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững… Đồng thời, thúc đẩy phát kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào. Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ; đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ nông nghiệp kết hợp với du lịch… để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cho hội viên. Từ đó, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
MINH ĐỨC