Nông dân vùng biên trồng cây mía tím

21/12/2020 - 07:43

 - Mô hình trồng cây mía tím dù chỉ mới được người dân thực hiện thời gian gần đây nhưng đã và đang mang lại hiệu quả quả khả quan. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng cây mía tím của ông Phạm Văn Hường (ngụ ấp Giồng Trà Dên, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, An Giang).

Dù sinh sống ở xã Tân Thạnh nhưng ông Hường thực hiện mô hình trồng cây mía tím trên vùng đất Phú Lộc (TX. Tân Châu). Phú Lộc là xã biên giới, những năm trước đây điều kiện vật chất và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Tận dụng tốt những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, những năm qua, xã Phú Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy tiềm năng đó, cũng như thổ nhưỡng của vùng đất Phú Lộc phù hợp với cây mía tím, ông Hường đã quyết định mang về trồng thử nghiệm giống cây này.

Theo ông Hường, trước đây đất của ông chuyên trồng lúa do nằm cặp đường nội đồng nên bị chuột cắn phá rất nhiều, sản xuất không mang lại lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Qua nghiên cứu các thông tin về hiệu quả cây mía tím mang lại, thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, ông Hường mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 đất trồng lúa sang trồng cây mía tím; sau gần 7 tháng trồng, cây mía tím đã cho thu hoạch trên 20 triệu đồng/công.

Ông Phạm Văn Hường chia sẻ: “Trồng cây mía, tôi thấy rất khả quan. Mình bán lẻ một cây mía từ 6.000 - 10.000 đồng, lợi nhuận thu lại cũng khá cao. Trồng cây mía tím không vất vả công chăm sóc, chỉ cực ở khâu làm đất, xuống giống. Để cây mía phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước khi trồng phải chọn ngọn hoặc mắt cây mía khỏe mạnh để làm cây giống, sau đó ngâm ngọn xuống nước khoảng nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh, rồi vớt cây lên trồng”.

Cây mía tím được trồng theo luống, khoảng cách mỗi luống là 30cm, trung bình 1.000m2 trồng khoảng 1.000 cây mía, khi nảy mầm thì tưới nước 1 tuần/lần. Khi mía lên cao thì cứ 15 ngày đánh lá một lần kết hợp với bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để chống đổ ngã, ảnh hưởng đến hình dáng của cây mía.

Dù là năm đầu tiên trồng thử nghiệm cây mía tím nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan cho ông Hường. Cây mía tím có vị rất ngọt, đốt dài, màu đẹp nên dễ tiêu thụ. Hiện nay, cây mía tím được ông Hường chọn bán lẻ cho bà con trên địa bàn TX. Tân Châu, trung bình mỗi ngày ông bán từ 100-200 cây mía, với 4.000m2 đất trồng mía đem về thu nhập cho gia đình gần 50 triệu đồng.

Cũng theo ông Hường, trước khi trồng mía tím cần tiến hành làm vệ sinh đất, loại trừ cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh, đồng thời cày cuốc đất cho tơi xốp, tạo sự thoáng khí. Công đoạn thu hoạch mía là phần việc cuối cùng để người nông dân gặt hái những thành quả sau 1 năm cực nhọc trồng và chăm sóc cây mía trên đồng ruộng. Để đạt được hiệu quả cao nhất, người trồng mía cần quan tâm nhiều hơn đến thời gian thu hoạch của cây mía. Cây mía chỉ cho hiệu quả cao nhất khi thu hoạch đầy đủ 3 tiêu chuẩn: chín, sạch và tươi.

Ngoài trồng, bón phân, vun xới, làm cỏ như những loại cây trồng khác, cây mía cần thường xuyên được tước bỏ các lá già có tác dụng làm cho ruộng mía sạch sẽ hơn. Cây mía tím không kén đất, chịu hạn, sinh trưởng mạnh, có thể trồng mọi loại hình đất và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp. Thân cây mía mềm, ngọt nên được khách hàng ưa chuộng. Đây là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, chỉ vất vả ở khâu làm đất và chọn giống, nên rất thuận lợi cho việc sản xuất.

Mô hình trồng mía tím là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất kém hiệu quả đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người nông dân. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững thì cần có sự liên kết để đáp ứng nguồn cung - cầu đem lại lợi nhuận ổn định hơn cho bà con nông dân.

PHƯƠNG LAN - LÊ KIỀU