Nông thôn mới ở An Thạnh Trung

16/05/2022 - 06:33

 - Hôm nay (16/5), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vui mừng đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. “Có xuất phát điểm thấp, An Thạnh Trung nỗ lực rất nhiều trong 11 năm qua, để đạt được thành công hiện tại”- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Nguyễn Văn Bé Hai chia sẻ.

Kinh tế - xã hội phát triển

An Thạnh Trung ngày nay có đường làng, ngõ xóm được bê-tông kiên cố, sạch đẹp. Hệ thống kênh, mương được cứng hóa phục vụ sản xuất. Nhiều ngôi nhà mới, khang trang mọc lên. Cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai cho biết: “An Thạnh Trung có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa. Cùng với đó là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ rất đa dạng. Thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ năm 2014 đến nay, xã chuyển dịch 319ha đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái. Giá trị sản xuất bình quân cây lúa trên 125 triệu đồng/ha, màu 463 triệu đồng/ha, cây lâu năm 270 triệu đồng/ha. Nông nghiệp phát triển theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, kinh tế tập thể và liên kết sản xuất được chú trọng phát triển”.

An Thạnh Trung huy động tốt sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Có vị trí thuận lợi, khi nằm trên tuyến Tỉnh lộ 944, Tỉnh lộ 946 - trục lộ giao thông quan trọng liên huyện, liên tỉnh - An Thạnh Trung phát huy thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Toàn xã có 1.245 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ; 1.150 cơ sở, với 1.200 lao động tham gia ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ đó, nâng mức thu nhập bình quân năm 2021 đạt 50,3 triệu đồng/người/năm. Số hộ có nhà ở đạt chuẩn tăng 75,3%; 99,9% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Xã có 8 điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; 11/11 ấp có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; không còn nhà tạm dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,15%; 11/11 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa; 4.138 hộ gia đình văn hóa. Cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư hoàn chỉnh, trải đều trên toàn xã.

Nhiều mô hình nổi bật

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình, gương điển hình tiêu biểu, “dân vận khéo” xuất hiện tại địa phương. 11 năm qua, địa phương vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp gần 36 tỷ đồng, thực hiện công trình phúc lợi, như: Làm đường đan 17 tuyến, cất 35 cầu bê-tông, cất nhà cho hộ nghèo, mua xe chuyển bệnh... Công an xã An Thạnh Trung phát huy hiệu quả của lực lượng công an chính quy.

Sau hơn 2 năm, lực lượng này đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, tạo ra “luồng gió mới” khi nắm thông tin và giải quyết nhanh nhiều vụ việc ngay từ cơ sở, được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ. Nhờ làm tốt các mặt công tác, lực lượng phát huy vai trò nòng cốt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong giữ vững an ninh trật tự. Địa phương được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là một trong 9 xã, phường, thị trấn địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đã chuyển hóa đạt năm 2020.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị, gia tăng sản xuất, Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới được Trường Đại học Cần Thơ đầu tư trang thiết bị máy móc (gần 500 triệu đồng) làm sản phẩm “Nước ép xoài đóng lon”. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; kết nối thị trường Phú Quốc và Campuchia. Đây là cột mốc quan trọng đối với nhà nông trồng xoài và ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện tốt mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới - nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân - Đảng bộ, chính quyền xã An Thạnh Trung luôn quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng sản xuất lúa, màu, cây ăn trái, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Từ phong trào, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm.

Đó là anh Nguyễn Hoàng Duy Luân với mô hình trồng lá tía tô Nhật, xuất khẩu thị trường Hàn Quốc. Anh Trần Văn Gấu Em mang đến mô hình trồng mận hồng đào đá trùm lưới theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Hay nông dân Huỳnh Ngọc Phán với mô hình trồng sầu riêng ứng dụng tưới nhỏ giọt; anh Cao Hoài Trí trồng lan trong nhà lưới, cấy mô cho ra giống biến đổi gen... Họ góp phần phá vỡ thế độc canh sản xuất truyền thống, đa dạng hóa sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn An Thạnh Trung.

HẠNH CHÂU