Nuôi thỏ nhẹ công chăm sóc, thu nhập ổn định

25/04/2022 - 06:45

Với nhiều đặc điểm nổi bật, như: Dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc, sinh sản nhanh, không đầu tư nhiều vốn... nên thỏ là một trong những vật nuôi được lựa chọn để chăn nuôi tại hộ gia đình. Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi thỏ đã giúp gia đình chị Dung tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống

Thỏ dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc

Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình chị Đặng Thị Thùy Dung (ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) được triển khai trên diện tích chuồng khoảng 50m2, số lượng thỏ nuôi khoảng 200 con. Bất ngờ hơn, chị Dung bắt đầu mô hình nuôi thỏ chỉ với 2 cặp thỏ bố mẹ. Công việc chính là nội trợ, thời gian rảnh rỗi, chị Dung muốn kiếm thêm công việc để có thu nhập phụ giúp gia đình.

Được người quen giới thiệu mô hình nuôi thỏ với nhiều ưu điểm, như: Dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định... nên mua 2 cặp thỏ bố mẹ về nuôi thử nghiệm. Sau vài tháng vừa nuôi, vừa nhân giống, số lượng thỏ của chị lên đến hàng chục con. Lứa đầu tiên sau khi bán mang lại nguồn thu nhập khả quan, chị Dung quyết định mở rộng diện tích, dựng thêm chuồng trại, nhân rộng mô hình nuôi thỏ sinh sản và thương phẩm.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, chuồng trại được chị Dung đầu tư khá bài bản. Lồng nuôi làm bằng kim loại, gắn hệ thống uống nước tự động. Chuồng trại được vệ sinh kỹ lưỡng, giúp hạn chế các bệnh thường gặp, như: Nhiễm khuẩn, bệnh ghẻ. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, đàn thỏ của chị phát triển khỏe mạnh, lông bóng mượt, sạch sẽ, được khách hàng ưa chuộng.

Sau 2 năm gắn bó với mô hình, chị Dung cho biết, thỏ không quá khó nuôi, chỉ cần chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận là sẽ phát triển tốt. Một trong những ưu điểm nổi bật là thỏ không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có, như: Rau muống, thậm chí là nhiều loại cỏ dại mọc trong vườn. Tuy nhiên, cần đảm bảo thức ăn xanh được lấy ở những nơi sạch sẻ, đảm bảo vệ sinh để phòng ngừa và hạn chế một số loại bệnh, đặc biệt là bệnh về đường ruột. 

Theo chị Dung, để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài kinh nghiệm, thì kỹ thuật nuôi là rất quan trọng. Người nuôi phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn nuôi. Vì là loại động vật không chịu được thời tiết nóng, nên chuồng trại cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, dễ dọn vệ sinh, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, người nuôi cần căn cứ theo đặc điểm cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết. Ngoài ra, chuồng nuôi cần phải đảm bảo rộng rãi, chắc chắn để thỏ hoạt động dễ dàng, thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời đảm bảo không thể chạy ra ngoài...

Sinh sản nhanh, cho thu nhập ổn định

Ngoài ưu điểm dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, thỏ còn là động vật sinh sản khá nhanh và nhiều, nên người nuôi đảm bảo được thu nhập. Chị Dung cho biết, loại vật nuôi này sau 3-4 tháng nuôi là có thể xuất chuồng, trọng lượng mỗi con từ 2-2,5kg. Cũng trong thời điểm này, thỏ có thể sinh sản. Bình quân mỗi con thỏ cái sinh sản mỗi năm 7-8 lứa, mỗi lứa từ 1-8 con. Sau thời kỳ đẻ phải chăm sóc, cho ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con.

Hiện nay, định kỳ 3 tháng chị Dung xuất chuồng 1 lần. Giá thỏ giống được bán 45.000 đồng/con, thỏ thương phẩm dao động 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Dung thu về lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng. Theo chị Dung, nhu cầu tiêu thụ thỏ thương phẩm và con giống trên thị trường khá cao, số lượng bao nhiêu thương lái cũng đến thu mua, gia đình chị yên tâm về đầu ra.

Nhờ nuôi thỏ đã giúp gia đình chị Đặng Thị Thùy Dung có thêm nguồn thu nhập đáng kể, kinh tế ngày càng ổn định. Mô hình còn góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh Nguyễn Tự Điển cho biết, mô hình chăn nuôi thỏ của chị Dung bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế khả quan. Mô hình có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, diện tích xung quanh nhà để phát triển kinh tế gia đình.

Có thể thấy, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Đặng Thị Thùy Dung là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Phú Thạnh. Hiệu quả của mô hình cần được nhân rộng để các hộ dân học hỏi, làm theo, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, mô hình phù hợp với những hộ ít vốn, chỉ cần đầu tư ít vốn ban đầu, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi, diện tích đất nhỏ quanh nhà, chịu khó và cộng thêm ít kinh nghiệm, người nuôi có thể nuôi tốt đàn thỏ của mình.

Mặc dù có giá trị kinh tế cao, nhưng muốn nuôi thỏ thành công cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, hiện tượng bất thường, đặc điểm sinh sản, kỹ thuật chăm sóc... Đặc biệt, người nuôi cần phải chú ý tới cách phòng, trị bệnh để đảm bảo thỏ sinh trưởng, phát triển tốt.

ĐỨC TOÀN