Phát triển cây trà tiên núi Cấm

18/12/2020 - 04:03

 - Lớn lên trên ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ, Nguyễn Văn Chốn (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đã sớm gắn bó, yêu quý những đặc sản, thảo dược của quê hương. Trong đó, chàng trai trẻ này đang ấp ủ mong muốn đưa cây trà tiên núi Cấm đến với nhiều người.

Nguyễn Văn Chốn đang ươm trà tiên để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2021

Chẳng biết từ bao giờ, trà tiên đã xuất hiện trên núi Cấm và trở thành một trong những cây dược liệu quý được người dân địa phương ưa chuộng. Khách phương xa nếu đến núi Cấm sẽ chẳng bao giờ để ý đến một loại cây trồng ở góc vườn nhưng lại có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu, với tên gọi trà tiên.

Có dịp làm quen với Nguyễn Văn Chốn, tôi càng bất ngờ hơn bởi ý tưởng phát triển loại cây dược liệu này. Theo Chốn, trà tiên vốn khá phổ biến trên núi Cấm và là thức uống thường ngày của người dân địa phương. Đây là loại cây có tính ấm nên khá phù hợp khi dùng trong điều kiện khí hậu mát mẻ của núi Cấm. Bởi thế, người dân trên núi thường pha ấm trà tiên vào sáng sớm để thưởng thức nhằm tăng cường sức khỏe và xem đó như một thói quen.

Dù được gọi là trà và cách uống cũng giống như trà nhưng loại cây này lại có hương thơm của…lá dứa. “Trà tiên vốn có vị ngọt đặc trưng. Không biết thì thôi, chứ nếm thử một lần ai cũng khen đáo để! Tôi có thử mang trà tiên ra bán cho du khách thì đa phần đều rất thích hương vị của loại cây này. Nhiều người uống thử 1 ly sẽ mua thêm 2-3 ly nữa bởi hương thơm và vị ngon đặc trưng của nước trà tiên. Thực tế, uống trà tiên mỗi ngày sẽ có tác dụng tốt cho cơ thể, bởi đây là loại thảo dược thiên nhiên được trồng hữu cơ trên núi nên rất an toàn” - Nguyễn Văn Chốn cho hay.

Về cách sử dụng, có thể cho 3-4 lá trà tiên vào bình thủy rồi hãm nước sôi để uống. Với người mới uống lần đầu thì nên bỏ đợt nước hãm đầu tiên, vì lúc này mùi vị rất đậm sẽ khó uống. Người sành uống trà tiên đều thích dùng nóng bởi cảm giác sảng khoái từ hương thơm, mùi vị đặc trưng của loại cây này. Ngoài ra, còn có thể làm trà đá uống cũng rất thơm ngon. Với khách phương xa, được thưởng thức một tách trà tiên trong cái se lạnh của núi Cấm quả là một trải nghiệm mới mẻ.

Điều đáng tiếc là cây trà tiên trên núi Cấm chưa được biết đến rộng rãi mà chỉ được người dân địa phương trồng để dùng trong gia đình. Do đó, Nguyễn Văn Chốn đang ấp ủ dự định sẽ phát triển loại cây này rộng rãi hơn bởi trà tiên vốn là một phần đặc sản của núi Cấm.

“Tôi nghĩ, cây trà tiên là loại thảo dược cần được biết đến nhiều hơn. Bởi, chúng khá dễ trồng lại rất có ích cho sức khỏe mọi người. Ngoài mục tiêu kinh tế, tôi cũng muốn quảng bá loại cây thảo dược vốn đã hấp thu thổ nhưỡng, khí hậu từ ngọn núi quê mình. Nhiều người mua trà tiên đều có phản hồi tích cực bởi hương vị cũng như lợi ích về mặt sức khỏe của loại cây này” - Nguyễn Văn Chốn thông tin.

Hiện nay, Chốn đã thử nghiệm việc phát triển trà tiên theo hướng sao khô để dùng được lâu. Kết quả bước đầu khá tích cực khi trà tiên sao khô có hương vị thơm ngon không khác nhiều so với uống tươi. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Chốn vẫn còn thiếu những điều kiện nhất định về mặt máy móc, kỹ thuật và đặc biệt là thủ tục pháp lý để phát triển cây trà tiên theo mong muốn của mình.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu, Chốn đã ươm hơn 300 chậu trà tiên (mỗi chậu 1-2 cây) với giá bán 15.000- 30.000 đồng/chậu để phục vụ nhu cầu của khách phương xa. Nhiều người đã mua trà tiên núi Cấm về trồng đều rất ưng ý và thường đặt mua thêm để tặng người quen. Với đặc tính dễ trồng, hương vị thơm ngon cùng nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe, cây trà tiên đã dần xuất hiện nhiều hơn trong vườn nhà của người dân.

Là thanh niên có nhiều tâm huyết với cây trà tiên núi Cấm, Nguyễn Văn Chốn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành chuyên môn về vốn, kỹ thuật, phương tiện để phát triển mô hình này. Từ đó, góp phần quảng bá thêm về những loài cây dược liệu quý trên ngọn Thiên Cấm sơn hùng vĩ.

Lương y Nguyễn Thiện Chung (Hội Đông y huyện Tịnh Biên) thông tin: theo kinh nghiệm dân gian, cây trà tiên có tác dụng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau dạ dày, trướng bụng, phong thấp, đau nhức khớp xương… được người dân trồng nhiều ở khu vực núi Cấm. Đây là loại dược liệu cần được bảo tồn và phát triển để phục vụ người dân.

THANH TIẾN