Phát triển hợp tác xã trong VnSAT

14/05/2020 - 04:55

Năm 2016, tỉnh An Giang triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) với nhiều hoạt động tích cực, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau 4 năm triển khai, trong vùng dự án đã xuất hiện nhiều tổ chức nông dân hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô, tạo ra những đột phá của chuỗi giá trị sản phẩm.

Liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân. Ảnh: N.C

Hỗ trợ hợp tác, liên kết

Dự án VnSAT An Giang đươc triển khai với quy mô 38.600ha, số người hưởng lợi từ dự án hơn 26.000 hộ nông dân. Địa bàn thực hiện dự án là 45 xã thuộc 5 huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn. Nguồn vốn từ dự án là một trong các nguồn lực để ngành nông nghiệp hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực các tổ chức nông dân trên địa bàn tỉnh.

Sau 4 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều thành quả tích cực. Nhiều hợp tác xã (HTX) trong vùng dự án đã phát huy được vai trò là cầu nối của mình khi vừa liên kết nông dân với nhau tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, đồng thời kết nối với doanh nghiệp (DN) nhằm đảm bảo đầu ra cho các mặt hàng nông sản.

Sự hỗ trợ của dự án VnSAT bao phủ tất cả các hoạt động của tổ chức nông dân, từ chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tới việc đào tạo, tập huấn phát triển năng lực quản lý và phát triển HTX. Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang đã hỗ trợ thành lập mới 24 tổ chức nông dân.

Tính đến cuối năm 2019, đã có 66 tổ chức nông dân tham gia dự án, gồm 37 HTX và 19 tổ hợp tác. Ban Quản lý Dự án đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho 14.000 lượt nông dân thông qua 100 điểm trình diễn, 450 lớp đào tạo, tập huấn trên diện tích 22.000ha. Trong vùng dự án, đã có 14.900ha áp dụng thành công quy trình “3 giảm, 3 tăng” (đạt 87% mục tiêu dự án); 13.700ha áp dụng thành công “1 phải, 5 giảm” (đạt 161% mục tiêu dự án); hơn 90% diện tích sử dụng giống xác nhận.

Đến cuối năm 2019, Dự án VnSAT An Giang đã chọn 12 tổ chức nông dân để hỗ trợ, triển khai 12 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với định mức cho mỗi tổ chức nông dân không quá 400.000USD, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Tất cả đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng trước quý II-2020.

Đào tạo quản lý và phát triển hợp tác xã

Dự án VnSAT An Giang đã tổ chức được 6 lớp về quản lý và phát triển HTX, với 199 học viên. Đối tượng tham dự là lãnh đạo tổ chức nông dân gồm: chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc các HTX; tổ trưởng và tổ phó các tổ hợp tác trong vùng dự án. Đây là những hoạt động thiết thực giúp ban lãnh đạo các HTX, tổ hợp tác trong vùng dự án vừa học, vừa bám sát thực tế để nâng cao trình độ quản lý cũng như nắm bắt được thách thức, cơ hội để phát triển.

Từ chủ trương và sự hỗ trợ của dự án, đa số các HTX trong vùng dự án đều xây dựng “Cánh đồng lớn” với quy mô trên 500ha; liên kết sản xuất “Cánh đồng lớn” được duy trì và nâng chất. Đã có 26 DN triển khai liên kết sản xuất thông qua 12 tổ chức nông dân với diện tích gần 3.200ha/vụ.

Tín hiệu khả quan là phần lớn diện tích liên kết đều canh tác các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976… Nông dân tham gia liên kết được ứng một phần vốn cho sản xuất, được hỗ trợ tiêu thụ lúa đầu ra. Giá bán có thể được tăng thêm tùy theo mức độ đạt yêu cầu về chất lượng nguyên liệu của DN.

HTX nông nghiệp An Bình (xã An Bình, Thoại Sơn) được  thành lập cuối tháng 10-2015. Đây là HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012 có sự tham gia của DN kinh doanh, chế biến lúa gạo nhằm tận dụng trình độ quản trị, giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng từ Dự án VnSAT An Giang, HTX nông nghiệp An Bình đã hoàn thiện cơ giới hóa sản xuất lúa từ khâu gieo sạ tới khâu thu hoạch. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp An Bình Trịnh Công Minh cho biết, năm 2019, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu 100% diện tích sản xuất với DN.

Trong đó, 135ha bao tiêu với giá cố định 6.500 đồng/kg, phần còn lại bao tiêu theo giá thị trường. Nông dân sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của DN, được DN cung cấp lúa giống và vật tư nông nghiệp ngay đầu vụ với giá thấp hơn thị trường từ 5-10%. “Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra, HTX đang triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo để phát triển lâu dài” - ông Minh nhấn mạnh.

Sau 4 năm triển khai, Dự án VnSAT An Giang đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều tổ chức nông dân trong vùng dự án, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

LÊ HOÀNG VIỆT (Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang)