Phát triển kinh tế từ cây bưởi da xanh

11/11/2020 - 08:00

Nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho trái quanh năm, giá cả và đầu ra sản phẩm ổn định, nông dân Trần Văn Thẳm (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Vườn bưởi da xanh của nông dân Trần Văn Thẳm

Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đang cho trái sum xuê, tươi tốt, ông Thẳm cho biết, lúc trước gia đình ông trồng lúa nhưng do phần đất của gia đình ở vùng trũng thấp nên năng suất và chất lượng rất thấp, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau đó ông chuyển sang làm rẫy, trồng rau màu rồi dần dần lập vườn trồng một số loại cây ăn trái khác để cải thiện kinh tế gia đình nhưng thu nhập vẫn không ổn định.

Qua học hỏi và tìm hiểu các mô hình sản xuất mới, ông Thẳm nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng, cho trái quanh năm, giá cả và đầu ra ổn định nên ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 5 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi. Đến nay, vườn bưởi da xanh của ông Thẳm đã được hơn 15 năm tuổi, với khoảng 200 gốc bưởi lớn nhỏ, thu hoạch trái gần như quanh năm. Ông Thẳm cho biết, ưu điểm của bưởi da xanh dễ trồng, mau cho trái, năng suất cao. Cứ cách 15 ngày, ông thu hoạch 1 đợt trái từ 150-200kg, trung bình mỗi trái bưởi nặng từ 1,2-2kg, giá bưởi trong năm lúc cao nhất lên đến 60.000 đồng/kg, lúc thấp nhất cũng từ 25.000-30.000 đồng/kg. Với mức giá này sau khi trừ chi phí sản xuất ông thu lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm. “Giá trị kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại rất cao, nhờ vậy gia đình tôi mới khấm khá lên được” - ông Thẳm tâm sự.

“Giống bưởi da xanh này có vỏ mỏng, múi bưởi đỏ ngọt, thanh, tép bưởi giòn, nhiều nước nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định quanh năm. Đặc biệt, trái bưởi hút hàng nhất là vào thời điểm Tết, thị trường tiêu thụ rất nhiều. Tết vừa rồi, vườn bưởi da xanh của tôi thu hoạch hơn 500kg trái mà vẫn không đủ bán cho người tiêu dùng. Hiện nay, tôi đang dưỡng trái chuẩn bị tốt nhất cho vụ Tết sắp đến với quyết tâm sẽ nâng cao năng suất hơn năm rồi” - ông Thẳm chia sẻ.

Theo ông Thẳm, do bưởi da xanh thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận thu lại khá cao. Trước khi trồng bưởi cần lên liếp và đắp thành mô cao, nhằm giúp bộ rễ của cây thông thoáng, kết hợp trồng với khoảng cách hợp lý để cây phát triển. Với chế độ chăm sóc phù hợp, chỉ sau khoảng 2 năm trồng, cây bưởi đã bắt đầu cho trái chiến. Những năm sau, cây càng lớn, năng suất càng cao.

Để bảo đảm tỷ lệ hoa đậu trái cao đòi hỏi phải chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa. Cây bưởi từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7-8 tháng. Giai đoạn này, cây bưởi cần nhiều nước nên phải thường xuyên tưới vào mùa nắng. Ngược lại, mùa mưa nên tạo rãnh thoát nước, tránh ngập úng dễ bị chết cây. Cây bưởi thường bị: nhện đỏ, rệp, bọ xít, sâu đục trái, bệnh thối gốc… làm hư hại và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, vì vậy cần phải theo dõi và phòng trị kịp thời. Ngoài ra, cần phải cắt cành, tạo tán, tỉa trái giúp cây mang số lượng trái vừa đủ, chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh, nhờ vậy trái bưởi lớn rất đều và tròn. Sau thu hoạch cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc và bón phân cho cây phục hồi sức khỏe.

“Lúc trước, ngày nào tôi cũng làm sạch cỏ để cây bưởi không bị mất dinh dưỡng, tránh nơi trú ngụ cho sâu bệnh gây hại. Bây giờ tôi trồng các loại hoa nhỏ, thấp vừa đẹp vườn, vừa khỏe được khâu làm cỏ, vừa để giữ độ ẩm cho đất và dẫn dụ các loại thiên địch có lợi cho cây bưởi” - ông Thẳm chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú A Nguyễn Sĩ Thượng cho biết, nông dân Trần Văn Thẳm là người tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế tích cực ở địa phương. Từ cách làm hiệu quả của gia đình ông Thẳm, nhiều nông dân ở địa phương đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất. Thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ tiếp tục tuyên truyền và phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật, mở các lớp kỹ thuật làm vườn để bà con nông dân học tập và áp dụng chuyển đổi cây trồng nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

TRỌNG TÍN