Phát triển rau màu theo hướng công nghệ cao

20/01/2022 - 08:19

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh với quy mô khoảng 6.062ha, trong đó diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 2.965ha. Đồng thời, nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên 1.628ha; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.344ha; diện tích được chứng nhận GlobalGAP 350ha…

An Giang hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh rau màu công nghệ cao

Tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh, xúc tiến tiêu thụ rau màu và rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh rau màu quy mô lớn, rau màu công nghệ cao trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất theo chứng nhận. Đồng thời, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô hàng hóa lớn, có sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN).

Trong phát triển vùng chuyên canh rau màu, tỉnh chú trọng phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); xác định được vai trò đầu tàu của DN, phát triển kinh tế tập thể với vai trò chủ lực là HTX nông nghiệp, thúc đẩy nông dân tham gia vào liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Campuchia, Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng, như: Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc.

Cùng với xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, An Giang thúc đẩy phát triển ngành chế biến rau màu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững, đáp ứng khả năng cung ứng trong sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Tỉnh từng bước khuyến khích và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong sản xuất sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy cộng đồng chuyển dần tư duy sang hướng sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong sản xuất, hướng người dân sang việc tuân thủ các quy trình sản xuất một cách chặt chẽ và bài bản hơn.

Trong phát triển vùng chuyên canh rau màu, An Giang tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái nông thôn; nâng cao chất lượng, tạo giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm. Cùng với đó, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường đối với sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang.

Nâng cao giá trị

Cùng với phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau màu theo hướng công nghệ cao, An Giang tiếp tục phát triển mới và nâng chất THT, HTX sản xuất rau an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh kế hợp tác một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, nâng cao vai trò của các chủ thể tiên tiến để tiến đến sản xuất quy mô hàng hóa. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao có sự liên kết giữa DN - HTX/THT - người sản xuất; thúc đẩy vai trò “đầu tàu” của DN và sự tham gia của người sản xuất trong liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Ông Trần Anh Thư cho biết, trong vùng sản xuất chuyên canh khoảng 6.062ha tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025, bao gồm: Rau ăn lá (1.487ha), rau ăn quả (1.365ha), rau ăn củ (445ha), bắp các loại (2.185ha), đậu phộng (200ha) và khoai cao (380ha). An Giang tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị chủ lực vùng sản xuất chuyên canh của tỉnh. Đến năm 2025, củng cố 16 THT, HTX và thành lập mới 4 THT, 4 HTX chuyên sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm rau màu theo tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. THT, HTX củng cố và thành lập mới đều được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “An Giang” cho sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao.

Đến 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng thành công 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (hoặc dự án) cho rau màu, rau màu công nghệ cao với quy mô diện liên kết đạt 775ha. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng; giá bán và giá trị sản xuất tăng của nông dân trồng rau màu trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung tăng tối thiểu từ 20% so với sản xuất ngoài vùng chuyên canh tại thời điểm năm 2021; thu nhập rau màu công nghệ cao tăng tối thiểu 40%. Tỉnh hỗ trợ DN, HTX, THT đầu tư vào chế biến, bảo quản rau màu thông qua việc thúc đẩy, hình thành dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh, xúc tiến tiêu thụ rau màu và rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8%. Đồng thời, nâng cao vị thế ngành hàng rau màu tỉnh An Giang một cách bền vững, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

NGÔ CHUẨN