Vụ đông xuân 2023 - 2024, huyện Châu Phú xuống giống hơn 32.197ha lúa, đạt gần 100% so kế hoạch; 2.154ha rau màu, đạt gần 95% so kế hoạch. Hiện, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện đạt 2.253ha, tăng 261ha so cùng kỳ.
“Tại vùng trồng cây ăn trái tập trung, ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tập huấn về kiến thức chuyên môn, kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp huyện, xã.
Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng thông tin.
Chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào lĩnh vực nông nghiệp
Đối với các vùng sản xuất rau màu tập trung, ngành nông nghiệp huyện vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, như: Sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống phun nước tự động, bón phân hữu cơ sinh học trong sản xuất. Khuyến khích nông dân sử dụng các giống lai F1, giống nuôi cấy mô, kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng rau màu trong nhà lưới, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách), sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học, vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã để đảm bảo quyền lợi. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền giữa nông dân với nông dân thông qua buổi sinh hoạt của câu lạc bộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhằm thay đổi tư duy của người dân về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững.
Huyện Châu Phú đang triển khai giải pháp chấn chỉnh, củng cố hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn; tăng cường tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, vận động và hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, mô hình chăn nuôi có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, trong các tháng còn lại của năm 2024, ngành nông nghiệp huyện sẽ triển khai đăng ký dữ liệu tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, gồm các tiểu vùng dự kiến tham gia, đề xuất cơ sở hạ tầng cần đầu tư đối với vùng tham gia đề án. Hiện nay, toàn huyện đã cấp 21 mã số vùng trồng, tổng diện tích 793,85ha.
Trong đó, cây lúa đã được cấp 16 mã số, diện tích 738,2ha; cây ăn trái đã được cấp 5 mã số, diện tích 55,65ha. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cấp mã số vùng trồng đối với vùng đủ điều kiện. Ngoài ra, các đơn vị chức năng huyện hỗ trợ nông dân và cơ sở sản xuất thực hiện đánh giá phân hạng đối với sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, chăn nuôi an toàn, ổn định, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường tiêm phòng trên gia súc, gia cầm; kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm dịch thủy sản; tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới ở các xã, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản về kỹ thuật phòng trị bệnh, ương cá tra bột, quản lý môi trường và tình hình thả nuôi thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện việc phát sinh ao nuôi đào mới ngoài quy hoạch, có biện pháp xử lý kịp thời…
MỸ LINH