Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao

19/12/2024 - 07:45

 - Với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL”, giai đoạn 2022 - 2024. Qua 3 năm triển khai, mô hình mang đến những kết quả khả quan.

Nông dân sử dụng thiết bị gieo hạt theo cụm trong dự án

Theo ông Phan Thành Tâm (Trung tâm Khuyến nông An Giang), dự án được triển khai tại 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang, với tổng diện tích 600ha (200ha/năm), nhằm tạo vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao; nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã (HTX) trong liên kết với doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình trọng điểm: Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế và nông nghiệp thị trường.

Theo đó, mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: OM18, DS1, ST25, IR4625… được cấp mã số vùng trồng và liên kết với các DN; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); hỗ trợ máy gieo hạt theo cụm... Để nông dân nắm bắt được các kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa đúng yêu cầu dự án, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tổ chức 12 lớp tập huấn, với khoảng 360 nông dân tham gia, về gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL; cấp mã số vùng sản xuất, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng; sử dụng và quản lý máy gieo hạt theo cụm… Tổ chức 31 lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho khoảng 930 nông dân trên địa bàn các tỉnh tham gia dự án.

Là nông dân trực tiếp tham gia dự án, ông Nguyễn Văn Nhãn (HTX nông nghiệp Vĩnh An Nông, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành) cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia dự án từ vụ hè thu 2024. Trong suốt quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn tôi cách làm đất, ủ giống, vận hành thiết bị máy gieo hạt theo cụm, phòng trừ sâu bệnh hại… Sau vụ sản xuất, năng suất từ ruộng của tôi đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha. Tổng chi phí mô hình 21,28 triệu đồng/ha, thấp hơn 1,75 triệu đồng/ha, nhờ giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc BVTV so với ruộng ngoài mô hình. Nhờ đó, lợi nhuận từ mô hình đạt hơn 33,76 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng/ha so ruộng sản xuất kiểu truyền thống”.

Ông Nguyễn Văn Nhãn cho hay, HTX nông nghiệp Vĩnh An Nông được hỗ trợ máy gieo hạt theo cụm để cung cấp dịch vụ gieo sạ lúa khoảng 100ha trong năm 2024, giúp tăng thu nhập cho xã viên. Do đó, ai cũng phấn khởi, ủng hộ Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL”, bởi những hiệu quả mang lại cho hoạt động sản xuất của nông dân. Đặc biệt, đây cũng là tiền đề góp phần thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang.

Bên cạnh đó, hoạt động của dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từ canh tác nhỏ lẻ sang canh tác theo hướng hàng hóa tập trung, có sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. Nông dân có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất lúa, tạo thế mạnh cho sản phẩm lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Việc xây dựng mô hình thuộc dự án cũng giúp cải thiện khả năng quản lý của HTX, thông qua việc tự giám sát các thành viên về: Quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thương lượng hợp đồng liên kết, cam kết thực hiện những yêu cầu trong hợp đồng.

Với những kết quả tích cực, Trung tâm Khuyến nông An Giang tiếp tục phối hợp các địa phương nhân rộng các mô hình trong dự án, tuyên truyền ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, kết nối đầu ra ổn định cho cây lúa.

Để phát huy những kết quả tích cực dự án mang lại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh đề nghị các đơn vị trực thuộc sở, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kết quả dự án đến nông dân. Tiếp tục duy trì, nhân rộng sau khi dự án kết thúc, tạo tiền đề thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang trong thời gian tới.

Qua 3 năm thực hiện, mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” cho năng suất bình quân đạt 6,46 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 23,57 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng bình quân 5,51 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn sản xuất lúa thông thường tương ứng 23,4%, đáp ứng nhu cầu của DN liên kết sản xuất...

MINH QUÂN