Phú Tân: Liên kết sản xuất vì lợi ích lâu dài

28/02/2024 - 06:57

 - Liên kết trong sản xuất nông nghiệp giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn, thúc đẩy các bên tham gia nâng cao vai trò và trách nhiệm. Tuy còn nhiều khó khăn trong triển khai, dựa vào thế mạnh nông nghiệp, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) quyết tâm đẩy mạnh chủ trương này để tăng diện tích liên kết sản xuất lúa, nếp, rau màu và cây ăn trái.

Sau đậu nành rau, nông dân xã Phú Xuân mong muốn tìm được doanh nghiệp tham gia liên kết bắp ngọt để sản xuất

Đầu năm 2024, nông dân xã Phú Xuân xuống giống bắp ngọt trong điều kiện thời tiết thuận lợi, kỳ vọng đạt năng suất và giá cả. Tại đây, mỗi năm trồng được 3 vụ bắp và 2 vụ đậu nành rau. Trước đó, 45ha đậu nành rau trồng theo hợp đồng được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) thu mua 100%.

“Nhiều năm nay, nhờ tham gia liên kết sản xuất, nông dân yên tâm về đầu ra, giá cả ổn định và lợi nhuận cao. Luân canh vụ bắp ngọt, bà con rất mong muốn tìm được doanh nghiệp liên kết để hưởng lợi ích tương tự cây đậu nành, thu hút nhiều hộ vào tổ hợp tác. Bởi thời gian qua, bắp đạt năng suất tốt (15 tấn ruột/ha), nhưng giá cả bấp bênh, có vụ được 60 - 70 triệu đồng/ha, có vụ chỉ 20 - 30 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí), thậm chí lỗ vốn. Dù chưa có doanh nghiệp tham gia, bà con trồng theo hướng hữu cơ, giúp tiết kiệm và sản phẩm an toàn… Nếu được bao tiêu, chúng tôi sẵn sàng mở rộng diện tích” - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nguyễn Minh Cảnh cho biết.

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở huyện Phú Tân được thuận lợi nhờ sự quan tâm tích cực của các cấp chính quyền, hợp tác xã và nông dân. Đặc biệt, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã hình thành tính chủ động trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt Lộc Trời) và rau màu với Công ty Antesco. Nhờ tham gia liên kết, nông dân tăng lợi nhuận trong sản xuất khi có sự cạnh tranh về giá (giữa công ty và thương lái).

Tuy nhiên, để xây dựng mối liên kết bền vững, để thu hút nông dân mạnh dạn tham gia liên kết thì còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, trong năm 2023, chỉ vụ đông xuân có diện tích lúa, nếp được liên kết tăng so cùng kỳ. Trong khi đó, vụ hè thu và thu đông đều giảm diện tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, việc để tồn tại các khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài đã làm giảm lòng tin của nông dân, kéo theo diện tích liên kết thấp. Các trách nhiệm của Lộc Trời trong biên bản ghi nhớ ký với UBND huyện Phú Tân đến nay vẫn chưa chủ động triển khai, đơn vị tự ý thay đổi chính sách liên tục, không nhất quán trong triển khai, ảnh hưởng việc thực hiện liên kết. Đáng lưu ý là theo chính sách của Lộc Trời, từ vụ thu đông 2023, công ty sẽ hợp đồng trực tiếp với nông dân mà không thông qua hợp tác xã.

Trong khi vai trò của hợp tác xã ngày càng quan trọng trong tổ chức liên kết, nhất là với nông dân và xã viên. Bên cạnh lúa, nếp, tuy rau màu có nhiều “điểm sáng” khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ, song việc hình thành các hợp tác xã nâng lên từ các tổ hợp tác rau màu còn chậm. Việc thực hiện liên kết chỉ tập trung trong vụ đông xuân, các hợp đồng trong 2 vụ còn lại có nhiều hạn chế. Riêng mô hình sản xuất giống bắp mới, kỹ thuật canh tác cao, nên khó phát triển diện tích.

UBND huyện Phú Tân xác định liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản không những thực hiện chủ trương nhất quán từ tỉnh đến cơ sở, mà còn đáp ứng nguyện vọng của nông dân trong xu thế liên kết. Đây là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên… đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo, linh hoạt, hài hòa lợi ích. Cùng với đó, đòi hỏi sự quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo của huyện và xã; tích cực xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, quyết tâm của hợp tác xã.

Theo đó, huyện quyết tâm bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh; tuyên truyền về quyền và lợi ích của các bên liên quan vào chuỗi liên kết. Song song đó, huyện chú trọng việc tập huấn, triển khai rộng rãi chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; xây dựng cấp mới và duy trì quản lý các mã số vùng trồng. Nắm bắt những khó khăn trong quá trình triển khai chính sách về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp; đề xuất, tham mưu, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp…

Năm 2024, thực hiện theo biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, phấn đấu về cây lúa sẽ có 13.100ha tham gia liên kết với Lộc Trời, trong đó, vụ đông xuân 4.100ha, hè thu 4.500ha, thu đông 4.500ha. Các doanh nghiệp khác sẽ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp 2.500ha, gồm 1.000ha vụ đông xuân và hè thu; 500ha trong vụ thu đông. Về rau màu, phấn đấu toàn huyện có 263ha đậu nành rau và bắp ngọt, 400ha rau muống lấy hạt được tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện mời gọi Công ty TNHH XNK - TMDV Vina T&T liên kết các sản phẩm: Xoài, sầu riêng, cây có múi với diện tích từ 5 - 10ha.

HẠNH ĐẶNG