Hiệu quả, nhiều lợi ích
Tại xã Phú Thạnh, phong trào trồng bưởi da xanh ngày càng phát triển, bởi đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giúp nông dân thêm kinh nghiệm về kỹ thuật và chăm sóc, tháng 4/2020, huyện Phú Tân thành lập câu lạc bộ nông dân giỏi trồng bưởi da xanh. Qua gần 2 năm hoạt động, nhiều vườn bưởi đã phát triển tốt. Theo anh Lâm Bảo Việt (thành viên câu lạc bộ), năm 2017, anh chuyển 2.000m2 đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Qua 4 năm chăm sóc, anh thu hoạch vụ đầu tiên, bán tự do cho thương lái nên giá không cao.
Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, anh được giới thiệu Công ty Thavi Mêkông Farm (TP. Long Xuyên) liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, anh còn được học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh. “Trước kia, tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên thấy việc sản xuất không ổn định. Từ khi có công ty bao tiêu sản phẩm, mối lo này được tháo gỡ, giá cả cao. So với trồng lúa, nếp trên nền đất cũ kém hiệu quả, cây bưởi cho thu nhập rất lý tưởng” - anh Việt chia sẻ.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp để đảm bảo nhiều lợi ích cho nông dân
Kết thúc vụ đông xuân trồng đậu nành rau, nông dân xã Tân Trung phấn khởi vì trúng mùa, lợi nhuận từ 5 triệu đồng/công. Đặc biệt, đầu ra của đậu nành rau rất ổn định, khi được Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) hợp đồng thu mua toàn bộ. Trồng đậu nành rau được nông dân đánh giá ổn định hơn các loại rau màu khác, bởi nắm chắc phần lợi nhuận thì mới an tâm canh tác lâu dài.
Đất trồng rau màu ở xã Tân Trung là loại đất cồn, rất hợp cho đậu nành rau sinh trưởng. Riêng vụ đông xuân năm nay đạt năng suất khá cao, từ 1,7-1,8 tấn/công. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung Võ Chí Tân cho biết, mỗi năm trên địa bàn xã có khoảng 8-10ha diện tích trồng đậu nành rau, toàn bộ được ký kết hợp đồng với Antesco. Những năm qua, việc ký kết được duy trì bền vững đã đảm bảo cho việc sản xuất và ổn định về kinh tế của nông dân.
Sản xuất dưa lưới đến vụ thứ 5 liên tiếp, ông Huỳnh Văn Ton (xã Hiệp Xương) luôn có nguồn thu nhập ổn định. Trên diện tích 1.000m2, trước đây ông trồng lúa, nếp nhưng năng suất kém. Nghe về hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới tại xã Bình Thạnh Đông, ông Ton đến học hỏi và quyết định chuyển đổi. Nhà màng dưa lưới được đầu tư hơn 500 triệu đồng, trong đó, vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 200 triệu đồng. Trong các vụ trồng, ông thử nghiệm nhiều loại giống để đánh giá, chọn ra giống dưa có năng suất cao vượt trội cho vụ kế tiếp. Năng suất dưa lưới đạt trên 4 tấn, mỗi trái đạt trọng lượng 1,2-2kg.
Ông Ton cho biết, mỗi vụ dưa lưới ông lời được 50% so chi phí bỏ ra. Bình quân 1 năm thu hoạch 4 đợt đã “ăn chắc” 200 triệu đồng lợi nhuận, lao động lại rất khỏe. Một thuận lợi nữa là nhờ có công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ nên giống, phân bón, kỹ thuật trồng, các khâu chăm sóc… đều được nhân viên kỹ thuật của công ty hỗ trợ. “Trước thời điểm thu hoạch khoảng 7 ngày, công ty đến kiểm tra chất lượng dưa lưới và chốt giá. Sản xuất theo liên kết, họ có đội ngũ kỹ thuật viên hướng dẫn. Qua mỗi vụ, tôi được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm rồi vững dần tay nghề” - ông Ton thông tin.
Liên kết tiêu thụ lúa, nếp
Đối với sản xuất lúa, nếp, trong vụ đông xuân đạt năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha. Tổng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ toàn vụ hơn 3.600ha, đến cuối tháng 4-2022 đã thu mua được hơn 2.500ha. Đáng phấn khởi, có nhiều doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng, thu mua 100% theo cam kết thông qua ký kết với hợp tác xã: Hưng Tân, Phú Thạnh, Phú Thành, Phú An… Ngành nông nghiệp và nông dân tham gia liên kết đều đánh giá, tham gia liên kết đã đem đến nhiều quyền lợi, lợi nhuận cho nông dân sản xuất, giảm được chi phí, đảm bảo đầu ra.
Vụ hè thu, toàn huyện Phú Tân xuống giống trên 23.800ha lúa, nếp, đến nay xuống giống được hơn 14.100ha. Các địa phương vận động nông dân tham gia liên kết với tổng diện tích 3.200ha, trong đó mô hình truyền thống trên 3.000ha, mô hình truyền thống nâng cao hơn 161ha. Các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền để thu hút nông dân tham gia.
Các hợp tác xã trên địa bàn được chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết và lợi ích của việc liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đến nhiều bên tham gia (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…). Từ đó, giúp chuỗi liên kết giá trị hài hòa về lợi ích giữa các bên, đảm bảo bền vững, hiệu quả lâu dài.
Trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp, UBND huyện liên tục làm việc với doanh nghiệp, địa phương nhằm nắm bắt khó khăn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc để nông dân mạnh dạn tham gia. Đối với vụ đông xuân 2021-2022, UBND huyện đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu mua đạt 100% hợp đồng liên kết, quan tâm các vùng thu hoạch còn lại thu mua đảm bảo.
Để sản xuất vụ hè thu đạt hiệu quả, huyện tiếp tục yêu cầu ngành nông nghiệp làm việc với công ty, phối hợp chặt chẽ, xây dựng phương án khi ra dân tuyên truyền. Trong đó, công ty cần phân công cán bộ cùng tham gia tuyên truyền, vận động, giải đáp thắc mắc của nông dân. Đặc biệt, khi tham gia liên kết, huyện đề nghị công ty áp dụng đúng những gì đã triển khai, không nên thay đổi chính sách, biện pháp sản xuất liên tục khiến nông dân thiếu sự tin tưởng.
MỸ HẠNH