Sản xuất gạo sạch theo tiêu chuẩn quốc tế

08/02/2022 - 06:18

 - Thay đổi tư duy canh tác bằng cách giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng mô hình công nghệ sinh thái, tăng lượng thiên địch, tiết giảm phân thuốc trên ruộng đồng… đã giúp cây lúa khỏe mạnh, hiệu quả về năng suất lẫn lợi nhuận tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ gạo sạch giúp hình thành chuỗi sản xuất thêm bền vững tại TP. Long Xuyên.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP

Đây là mô hình đang được Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên triển khai 15ha trên địa bàn phường Mỹ Thới. Theo bà Trần Thị Lâm (cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình) tiêu chuẩn SRP cho phép nông dân cùng liên kết DN tiêu thụ sau thu hoạch. Khi tham gia, nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hoa trồng bờ ruộng. Phần chi phí còn lại do bà con đối ứng canh tác. Mô hình gắn với một số công nghệ đã được triển khai nhiều trong thời gian qua, nhưng đối với nông dân vẫn còn rất mới và chưa được thực hiện.

“Vụ đầu tiên thực hiện mô hình, nông dân canh tác giống lúa Đài Thơm 8, lượng gieo sạ 120kg/ha, hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, đồng thời tạo cho nông dân thói quen canh tác lúa sạch, an toàn. Bên cạnh đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định, nông dân không còn phải lo mỗi khi thu hoạch gặp cảnh mất mùa được giá” - bà Lâm thông tin.

Tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, nông dân giảm được chi phí canh tác lúa

Trước khi thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên xuống địa phương để triển khai kế hoạch, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia. Bên cạnh kinh nghiệm của mình, nông dân còn được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật mới, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong quá trình canh tác, nhưng vẫn mang lại năng suất ổn định. Cách làm này giúp nông dân có lợi nhuận, nhẹ công chăm sóc vì chi phí đầu tư thấp, góp phần bảo vệ môi trường, cung ứng lúa gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

“Khi nói về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, có thể nhiều nông dân bỡ ngỡ, chưa quen. Tuy nhiên, nói một cách dễ hiểu hơn, đây là tiêu chuẩn dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… như trước giờ bà con mình vẫn thực hiện. Qua đó, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn DN, hướng đến sản xuất bền vững” - bà Lâm giải thích thêm.

Nông dân phấn khởi

Ông Nguyễn Hồng Nhã (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) tham gia canh tác giống lúa Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn SRP với diện tích 2,8ha. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa, ông Nhã hồ hởi: “Tính ra, từ lúc sạ đến nay lúa trên 60 ngày tuổi. Nếu canh tác như trước đây nông dân vẫn làm, đã phải phun 1-2 cữ thuốc để phòng, trị sâu, rầy trên ruộng. Tuy nhiên, năm nay tôi tham gia mô hình, sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, trồng thêm hoa ở bờ ruộng, thu hút rất nhiều thiên địch có lợi, làm sâu, rầy không phát triển được. Ngoài việc bón phân, chi phí thuốc BVTV đến nay vẫn chưa tốn, tôi cũng như bà con tham gia mô hình rất phấn khởi”.

Việc nông dân phải làm là chuẩn bị nền đất sạch, bằng phẳng giúp cây lúa phát triển tốt. Ngoài ra, nhờ áp dụng mật độ gieo sạ trên ruộng vừa phải (120kg/ha), trồng thêm hoa cúc mặt trời, hướng dương, sao nhái trên bờ ruộng nên thu hút rất nhiều loại thiên địch có lợi xuất hiện trên đồng ruộng. “Những lần thăm đồng sớm, tôi để ý trên ruộng có kiến ba khoang, nhện, bọ… Đây là tín hiệu rất vui, vì như vậy, sâu, rầy gây hại sẽ không có chỗ phát triển. Nhờ đó, so với nhiều ruộng lúa lân cận, tôi tiết kiệm được chi phí 2 cữ thuốc BVTV mà cây lúa vẫn phát triển khỏe, cứng cáp. Nếu giữ tốc độ phát triển tốt như vậy, năng suất cuối vụ sẽ đạt cao, giá cả được hợp đồng từ đầu vụ, đáp ứng mong chờ từ lâu của nông dân chúng tôi” - ông Nhã nhấn mạnh.

Trước đây, anh Lê Văn Đúng (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) vẫn quen canh tác theo cách truyền thống, nên khi tham gia mô hình, anh có phần bỡ ngỡ. Nhưng rồi được cán bộ của Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp xuống đồng thăm hỏi, theo dõi chỉ tiêu phát triển của cây lúa… anh dần tiếp cận với lối canh tác mới. “Canh tác theo tiêu chuẩn SRP, nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm được phân, thuốc BVTV trên đồng ruộng… Chỉ nhiêu đó thôi là thấy giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận rồi. Trước đây, cuối vụ nông dân thường ngồi nói với nhau về năng suất. Ông làm trúng nhất thì lúc nào cũng sẽ hãnh diện, nhưng lại quên tính đến chi phí đầu vào. Làm mấy tháng trời, đầu tư quá nhiều, từ giống lúa, chi phí phân, thuốc BVTV, năng suất dù có cao hơn vài chục ký nhưng lợi nhuận không còn bao nhiêu. Bởi vậy, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, áp dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP… nông dân thay đổi dần tư duy sản xuất truyền thống, kém hiệu quả và không mang lại lợi nhuận” - anh Đúng nhìn nhận.

ÁNH NGUYÊN