Sản xuất lúa chất lượng cao ở Hà Nam

07/01/2021 - 07:55

Cây lúa được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Nam. Giai đoạn 2015 - 2020, năng suất lúa bình quân ở Hà Nam luôn đạt mức cao của khu vực, trong đó riêng năm 2020 đạt hơn 62,2 tạ/ha/năm; tổng sản lượng đạt gần 380 nghìn tấn. Vụ xuân năm 2021, tỉnh Hà Nam có kế hoạch gieo cấy hơn 30.000 ha lúa với tỷ lệ lúa lai chiếm 35% diện tích, còn lại là nhóm lúa thuần chất lượng cao.

Đẩy mạnh tập trung ruộng đất
 
 Tỉnh Hà Nam hiện có 68 trong số 83 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai được 1.825,6 ha; xây dựng được 95 mô hình tổ chức sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết sản xuất lúa hàng hóa, đạt sản lượng 10.661 tấn/năm tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Được xác định là huyện nông nghiệp của tỉnh, năm 2021, Bình Lục có kế hoạch gieo cấy 8.000 ha lúa. Nếu như trước đây, diện tích lúa lai của huyện chiếm khoảng 70% diện tích thì vụ này giảm còn 35%, còn lại là lúa thuần và các giống lúa chất lượng chiếm ưu thế. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Đỗ Thế Trọng cho rằng: Nhờ có chủ trương tập trung ruộng đất, cho nên việc sản xuất lúa chất lượng của huyện được gọn vùng, gọn thửa thuận tiện cho việc đầu tư chăm sóc, nhất là bảo đảm yêu cầu đưa giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất. Tính riêng năm 2020, toàn huyện có khoảng 400 ha lúa chất lượng sản xuất tập trung và được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Người dân xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) thu hoạch lúa.

Huyện Lý Nhân có tổng diện tích gieo cấy hơn 6.000 ha, trong đó lúa thuần chất lượng chiếm khoảng 45% diện tích. Để việc gieo cấy lúa đạt hiệu quả, địa phương quy hoạch gọn vùng, gọn thửa, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Nguyễn Thị Quyên cho rằng: Do nhu cầu về chất lượng lương thực của người tiêu dùng ngày càng cao và áp lực về thiếu lương thực hiện nay không còn cho nên nông dân trong huyện chú trọng mở rộng sản xuất lúa chất lượng. Là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất lúa nhiều nhất của huyện Lý Nhân, năm 2021, xã Nhân Mỹ xây dựng kế hoạch gieo cấy 380 ha lúa. Trong đó, lúa chất lượng chiếm 85% diện tích. Hợp tác xã (HTX) Nhân Mỹ đã đứng ra cùng bà con tập trung quy hoạch cánh đồng thôn Mỹ Đà có diện tích 40 ha chuyên sản xuất giống lúa LT2, thôn Mỹ Xuyên được 15 ha và bảy cánh đồng mẫu có quy mô diện tích từ 10 đến 15 ha tại các tổ, đội sản xuất các giống lúa chất lượng. Giám đốc HTX Nhân Mỹ Trần Thị Hòa cho biết: Việc tập trung được ruộng đất rất thuận tiện để bố trí cơ cấu gieo cấy các giống lúa chất lượng như Nếp 97, 98, LT2, Bắc thơm... Đây là những giống lúa hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.
 
 Chi cục phó phụ trách Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam) Nguyễn Hải Nam cho biết: Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ lúa chất lượng cả hai vụ trong năm đạt hơn 50%. Trong đó, tập trung hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn tập trung. Trước mắt sẽ bố trí vùng sản xuất lúa chất lượng có liên kết với doanh nghiệp ở 80 cánh đồng mẫu đã được xây dựng và nhân rộng ra các vùng chung quanh.
 
 Tăng cường liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm
 
 Từ năm 2018, anh Hoàng Văn Thường (thôn Đích Chiều, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục) đã sản xuất lúa chất lượng trên gần 30 ha đất tập trung được gia đình anh thuê lại của gần 100 hộ dân trong xã. Theo anh Thường, khu đất này trước đây do ruộng đất manh mún lại thuộc vùng đất trũng không thuận tiện cho việc tưới tiêu cho nên phần lớn bà con sản xuất kém hiệu quả, có năm, nhiều hộ dân đã bỏ ruộng hoang. Có được diện tích tập trung đủ lớn, anh Thường đầu tư quy hoạch lại bờ vùng, tạo mặt bằng cho toàn cánh đồng để thuận tiện cho tưới tiêu và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như máy phun thuốc trừ sâu không người lái, máy cấy, máy gặt liên hoàn… giảm được khoảng 20% đến 25% chi phí. Do được sản xuất tập trung, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt cho nên năng suất lúa bình quân đạt 2,6 đến 2,8 tạ/sào/năm.
 
 Để tiêu thụ sản phẩm ổn định, kịp thời, anh Thường đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Hưng Phú tại tỉnh Hưng Yên thu mua toàn bộ sản phẩm lúa với giá thỏa thuận theo thị trường. Nhờ đó mà gia đình anh yên tâm đầu tư sản xuất. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 300 đến 500 triệu đồng. Anh Thường khẳng định: Liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng là giải pháp an toàn đối với nông dân. Bởi, nông dân được cung ứng giống, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và được thu mua sản phẩm tươi mà giá trị hạt thóc được nâng lên và ổn định rất nhiều so với không liên kết.
 
 Điều làm anh Thường cũng như nhiều HTX sản xuất lúa quy mô lớn ở Hà Nam trăn trở là hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng liên kết từng năm mà không ký dài hạn. Doanh nghiệp hoàn toàn quyết định trong việc thu mua, không thu mua nếu thóc không đạt chất lượng theo yêu cầu, hoặc giảm diện tích liên kết sản xuất từng vụ. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Đỗ Xuân Trường cho biết: Chọn được một doanh nghiệp gắn bó lâu dài với nông dân là rất khó khăn bởi sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết không mưa thuận, gió hòa thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hạt gạo, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Những rủi ro này không được nhiều doanh nghiệp chia sẻ trong hợp đồng kinh tế giữa hai bên.
 
 Trưởng phòng NN và PTNT huyện Bình Lục Đỗ Thế Trọng cho rằng: Liên kết trong sản xuất lúa là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị hạt lúa cho nên rất cần những doanh nghiệp gắn bó lâu dài để chia sẻ lợi ích với nông dân, cho nông dân trả chậm chi phí mua vật tư nông nghiệp mà doanh nghiệp cung ứng, hoặc điều chỉnh giá thu mua thóc trong hợp đồng phù hợp thị trường tại thời điểm thu hoạch. Trong liên kết sản xuất lúa hiện nay, vị thế của HTX và nông dân thấp hơn nhiều so với đối tác. Doanh nghiệp sẽ chọn lựa đối tác có năng lực tổ chức sản xuất tốt, đáp ứng yêu cầu. Nếu nông dân và HTX không nâng cao được vị thế của mình thì rất khó có thể tạo sự bình đẳng trong lựa chọn đối tác.
 
 Ðể thực hiện hiệu quả chủ trương tập trung ruộng đất sản xuất lúa chất lượng cao, mở rộng liên kết và bao tiêu sản phẩm, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đồng hành với người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh khi thực hiện tập trung ruộng đất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, chấp hành nghiêm. Cùng với đó, tỉnh đang đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đi vào sản xuất để trở thành hạt nhân, vùng lõi dẫn dắt các hộ dân chung quanh phát triển.

Theo ĐÀO PHƯƠNG (Báo Nhân Dân)