“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Mỗi lần chạy xe dọc Tỉnh lộ 943, hướng TP. Long Xuyên - Thoại Sơn, gần đến xã Định Thành là tôi chạy rất chậm để được nhìn, ngắm sen cho thỏa thích. Nào là gương sen đến hạt sen đã tách hay ngó sen, chỉ nhìn thôi là muốn dừng lại mua. Vì là sản phẩm được người dân trồng và bán tại nhà nên khách hàng hoàn toàn yên tâm về giá cả. Còn về chất lượng, người mua sẽ được “kiểm định” tại chỗ với việc dùng thử.
“Khoảng 5 giờ sáng, tôi bắt đầu hái gương sen. Ruộng sen nhà tôi chỉ hơn 3 công. Vì đây là vùng đất lung nên thích hợp cho việc trồng sen. Gương sen bắt đầu vào vụ gần 1 tuần nay. Nếu chịu khó hái, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 30-40kg gương sen, với giá bán là 12.000 đồng/kg (bỏ mối). Trồng sen không khó, cực nhất là lúc thu hoạch vì phải lặn lội xuống sình lầy trong nhiều giờ và nhiều ngày. Song, so với nhiều loại cây trồng khác, sen là loại cây cho thu nhập ổn định. Từ lúc trồng sen đến giờ, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn nên dù thế nào, tôi cũng không bỏ nghề trồng sen”- anh Tuấn bộc bạch.
Mang vài gương sen vừa hái còn chưa khô nhựa, anh Tuấn mời tôi dùng thử mà không quên giới thiệu: “Sen mới hái, dùng liền ngọt lắm đó”. Quả là ngọt thật, vị thanh thao, không chát hay đắng lại có độ giòn giòn cứ vương vấn ở đầu lưỡi, khiến ta cứ muốn dùng mãi. Nghĩ cũng hay, ruộng sen toàn hoa là hoa vậy mà có cố tình đứng gần thế nào, tôi cũng không sao nghe thấy mùi thơm. Thế nhưng, gương sen trên tay chẳng tanh mùi bùn chút nào dù mới vừa hái. Trò chuyện với bà con trồng sen mới biết họ yêu quý loại cây này thế nào. Dẫu có dễ trồng nhưng sen vẫn gặp phải những loại sâu bệnh nhất định, nếu không xử lý kịp thời, người trồng có thể mất trắng.
Lợi nhuận và những trăn trở
Sen tuy dễ trồng nhưng bà con ở đây ai cũng "ngán ngại" trước căn bệnh thối ngó của sen. Bởi loại bệnh này khi đã xuất hiện, dù có diệt mấy cũng không tận gốc và tốc độ lây lan khá cao. Đó chính là lý do người trồng phải thăm ruộng sen thường xuyên. Nếu phát hiện mầm bệnh thối ngó phải thay nước trong ao và xịt thuốc để bảo vệ ruộng sen. Có người cách 2-3 ngày là thay nước 1 lần để cây sen phát triển khỏe mạnh.
“Ruộng sen của vợ tôi đang bị bệnh thối ngó nên dù trồng cùng lúc với tôi mà đến giờ vẫn không có lấy 1 bông. Trong khi đó, sen của tôi đã thu hoạch được mấy tuần. Chúng tôi rất sợ gặp phải bệnh này, vì nó làm hạn chế quá trình sinh trưởng, phát triển của sen”- anh Tuấn chia sẻ.
Chỉ mới trồng sen được 2 vụ nhưng ruộng sen nhà chị Hiền (31 tuổi, ngụ xã Định Thành) cũng không tránh khỏi bệnh thối ngó. “Khi phát hiện sen bị bệnh thối ngó, chồng tôi liền tháo hết nước, xịt thuốc rồi để ruộng sen khô nước khoảng 1-2 tuần. Đến khi thấy ổn, anh ấy mới bơm nước vô ruộng lại. Cứ vậy mà sen của tôi không thiệt hại nhiều. Tôi mới bắt đầu thu hoạch gần tháng nay. Năm nay, tôi trồng trên diện tích 2 công, chỉ lấy gương; mỗi ngày được gần 30kg gương. Với giá bán lẻ 20.000 đồng/kg gương và 30.000 đồng/kg hạt, vợ chồng tôi có nguồn thu nhập khá ổn định” - chị Hiền bày tỏ. Theo chị Hiền, đa phần người trồng sen chỉ thu hoạch gương không lấy ngó. Mặc dù giá bán ngó khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg nhưng phải lặn xuống sình sâu để thu hoạch, rất cực.
Sen từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu vệ sinh ruộng sen thật sạch trước khi gieo con xuống trồng. Thời điểm thu hoạch có thể kéo dài từ 2-3 tháng nếu người trồng chăm sóc tốt. “Mỗi ngày, thu nhập từ việc bán gương gần 500.000 đồng, trừ hết chi phí còn lợi nhuận khá cao. Tôi hy vọng, các nhà khoa học sớm nghiên cứu, tìm ra thuốc trừ tận gốc bệnh thối ngó để bà con chúng tôi giảm bớt nỗi lo khi trồng sen” - anh Tuấn chùn giọng.
Chủ tịch UBND xã Định Thành Ngô Văn Ý cho biết: “Trên địa bàn xã Định Thành có khoảng 6 hộ trồng sen với diện tích 7ha. Để hỗ trợ bà con khắc phục bệnh thối ngó, cán bộ khuyến nông và nông nghiệp xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Hiện, địa phương chỉ tiêu thụ sen tươi, nhưng gặp lúc “dội chợ” sen sẽ bị “ép giá”. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư vào khâu chế biến sen khô, để người trồng không sợ cảnh “cung vượt cầu”, ảnh hưởng đến thu nhập”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN