Cách tính lương hưu mới
Theo quy định, từ ngày 1-1-2018, người LĐ muốn hưởng lương hưu mức tối đa sẽ phải đóng thêm 5 năm BHXH nữa, đồng nghĩa LĐ nữ phải đủ 30 năm (thay vì 25 năm), LĐ nam là 35 năm (trước là 30 năm). Mức lương tối đa tính bằng 75% mức đóng BHXH hàng tháng.
Quy định này áp dụng với LĐ nữ ngay từ 1-1-2018. Còn với LĐ nam sẽ theo lộ trình, đến năm 2022 sẽ phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng mức tối đa lương hưu là 75%.
Theo đó, đối với lao động (LĐ) nữ: Từ 1-1-2018, LĐ nữ đóng BHXH đủ 15 năm thì hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 30 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu 75%).
Đối thoại chính sách BHXH, BHYT với người lao động
Đối với LĐ nam: Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2019 quy định đủ 17 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 32 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2020 quy định đủ 18 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 33 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2021 quy định đủ 19 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 34 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Từ năm 2022 trở đi quy định đủ 20 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 35 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Bà Trần Thị Thu Phượng, Trưởng phòng chế độ BHXH (BHXH tỉnh), cho biết: Với cách tính lương hưu như đã nêu trên thì cả LĐ nam và nữ khi nghỉ hưu từ 1-1-2018 đều chịu sự điều chỉnh của luật, nhiều nhất là LĐ nữ.
Cụ thể: LĐ nữ nghỉ hưu trước 1-1-2018 đóng BHXH đủ 25 năm tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, nếu nghỉ hưu từ 1-1-2018 đóng BHXH đủ 30 năm mới hưởng mức tối đa 75%... Đối với LĐ nam nghỉ hưu từ 1-1-2018 cũng chịu sự tác động của Luật nhưng ít hơn LĐ nữ vì cách tính lương hưu đối với LĐ nam có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Cần chính sách phù hợp
Thời gian qua, thông tin thay đổi cách tính lương hưu của LĐ, nhất là LĐ nữ được quan tâm và chia sẻ rất nhiều trên báo chí, trang mạng xã hội. Bày tỏ bức xúc với những thay đổi, chị Lê Ngọc L. (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Nhiều người LĐ như tôi thực sự cảm thấy không đồng tình. Trong điều kiện chi tiêu đắt đỏ hiện nay, có rất nhiều khoản phí khác phải đóng, vậy mà việc áp dụng cách tính lương hưu không phù hợp như vậy thì khi về hưu làm sao sống nổi! Bất hợp lý là nếu nghỉ hưu trước 1-1-2018 thì chỉ đóng BHXH đủ 25 năm sẽ hưởng hưu tỷ lệ 75%, còn nghỉ sau 1-1-2018 phải đóng BHXH đủ 30 năm”.
Về vấn đề này, trước đó (ngày 3-11), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với LĐ nữ… Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề xuất lùi thời gian tính lương hưu mới. Tuy nhiên mới đây, đại diện BHXH Việt Nam cho biết chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào về việc thay đổi cách tính lương hưu.
Do đó, từ 1-1-2018, cách tính lương hưu cho LĐ nữ vẫn được điều chỉnh theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, LĐ nữ đã đóng BHXH được 15 năm sẽ hưởng lương hưu bằng 45% mức lương, sau đó mỗi năm tính thêm 2%, tối đa được hưởng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ 75% trong năm 2018, lao động nữ phải có ít nhất 30 năm đóng BHXH, trong khi quy định lâu nay chỉ là 25 năm.
Theo quy định này, nếu LĐ nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (nhiều trường hợp lên đến 10%). Đây là vấn đề rất bất hợp lý, vì chỉ sau 1 đêm (trước sau ngày 1-1-2018) mà chế độ có sự chênh lệch quá lớn. Do đó, chính sách này cần được điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ - những người chiếm 47% lực lượng LĐ tại Việt Nam.
HỮU HUYNH